Có thể chấp nhận tăng bội chi, nợ công

- Thứ Sáu, 17/09/2021, 07:12 - Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo cân đối ngân sách và tỷ lệ nợ công của Việt Nam sẽ xấu đi trong năm nay. Theo TS. Cấn Văn Lực, điều này hoàn toàn bình thường. Với nền tảng tài khóa hiện tại, năm nay và năm tới, ông cho rằng Việt Nam có thể chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách, tăng nợ công để có nguồn lực phục hồi kinh tế và nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.

Nợ công tăng 3 điểm phần trăm

​​​​Giai đoạn 2021 - 2023, Chính phủ dự định vay nợ khoảng 1.738,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương 1.604 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại 134,4 nghìn tỷ đồng.

Năm nay, Chính phủ dự định vay 624,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vay cho cân đối ngân sách trung ương 579,7 nghìn tỷ đồng, gồm vay để bù đắp bội chi 318,8 nghìn tỷ đồng, vay để trả nợ gốc 260,9 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại 44,4 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù Chính phủ vẫn còn đủ dư địa tài khóa, với tỷ lệ nợ công khoảng 55,3% GDP vào cuối năm 2020, nhưng với kinh nghiệm quốc tế cho thấy tình hình tài khóa có thể xấu đi tương đối nhanh chóng nếu đợt bùng phát dịch hiện nay không sớm được kiểm soát hoặc các đợt dịch mới lại xảy ra trong những tháng tiếp theo. Đây là nhận định của WB trong báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam.

Lý do, theo WB, chính sách tài khóa có thể là công cụ chính duy nhất trong tay các cơ quan chức năng để ứng phó với đại dịch. Vì vậy, Chính phủ có thể phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, vốn còn khiêm tốn đến thời điểm này, trong khi thu ngân sách có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực do nền kinh tế phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng. “Tại thời điểm này, rủi ro tài khóa có vẻ vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn cần tiếp tục được theo dõi sát sao, đặc biệt là vì rủi ro này liên quan đến sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp nhà nước, dễ trở thành nợ tiềm tàng”, WB lưu ý.

Dự báo cụ thể WB cho rằng, nợ công của Việt Nam năm nay sẽ tăng 3 điểm phần trăm, từ 55,3% năm 2020 lên 28,3%; bội chi ngân sách từ 4,9% GDP tăng lên 6%.

“Hiện nay, Việt Nam có nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng bắt đầu triển khai, Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu nên sẽ đi vay nợ nhiều hơn”, TS. Cấn Văn Lực nói. Tuy vậy, ông cho rằng, “nợ công sẽ không tăng đến 3% điểm phần trăm mà chỉ tăng từ 1 - 2 điểm phần trăm”. Như vậy, so với quy mô GDP bắt đầu được điều chỉnh lại từ năm nay, nợ công từ 46 - 47% GDP có thể tăng lên 48 - 49% GDP, hoàn toàn nằm trong ngưỡng Quốc hội phép là dưới 60% GDP.

Nguồn: TBTC

“Hoàn toàn bình thường”

Theo ông Lực, nợ công tăng 1 - 2 điểm phần trăm là “hoàn toàn bình thường trong bối cảnh cả thế giới đều chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”. Việc phải chi tiêu nhiều để phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế làm thâm hụt ngân sách tăng và nợ công tăng. “Vấn đề quan trọng là sử dụng các khoản vay cho hiệu quả chứ số lượng không quá quan trọng”.

Nhìn vào tỷ lệ nợ công vẫn trong ngưỡng Quốc hội cho phép, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, năm nay và năm tới, Việt Nam có thể chi tiêu nhiều hơn, chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách và nợ công để phục hồi nền kinh tế và nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. “4 - 5 năm qua Việt Nam đã củng cố vấn đề tài khóa tương đối tốt vững chắc. Với những khó khăn như hiện nay, Việt Nam được phép chi tiêu, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao hơn bình thường. Sau này, có lộ trình điều chỉnh cho về lại mức an toàn. Đây cũng là cách làm của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam nên theo hướng đó”, ông Lực nói.

Theo quan sát của WB, chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn tạo thuận lợi cho quá trình hồi phục năm 2021. Nhờ theo đuổi chính sách tài khóa trung lập, 6 tháng đầu năm nay, ngân sách nhà nước bội thu khoảng 81 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD), so với bội chi 65 nghìn tỷ đồng (2,8 tỷ USD) năm 2020 nhờ vượt thu ngân sách kết hợp với giảm chi, nhất là chi đầu tư.

Để mở đường cho quỹ đạo nợ bền vững từ trung đến dài hạn, WB khuyến cáo Việt Nam cần giảm chi ngân sách từ mức 6% GDP năm 2021 xuống 5,9% năm 2022 và 5,4% năm 2023. Để bảo đảm quá trình củng cố tài khóa không ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn, WB cho rằng, thu nội địa cần được cải thiện thông qua cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu suất thu và có thể dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ xã hội có chất lượng - những yếu tố giúp nền kinh tế bền vững hơn, được chuyển đổi số và có năng suất cao

Vũ Quang