Có thao túng giá không?

- Thứ Hai, 06/07/2020, 05:09 - Chia sẻ
Sau nhiều lần yêu cầu giảm giá, cùng với đó là hàng loạt biện pháp như cho phép nhập khẩu thịt "nguội" rồi lợn sống, giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Câu hỏi vì sao nguồn cung đã được bổ sung nhưng giá thịt vẫn không giảm đến nay vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo.

Đến nay, lý do giá thịt lợn ở mức cao được các cơ quan chức năng giải thích là vì chưa đủ lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường; do giá thành sản xuất cao vì phải bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu trong chăn nuôi; do có quá nhiều khâu trung gian. Giải pháp gốc rễ để khắc phục tình trạng này là đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn; giảm bớt khâu trung gian... Những nguyên nhân này là đúng nhưng có thể chưa đủ và ở góc độ quản lý nhà nước là khó có thể chấp nhận. Theo quan điểm của một số chuyên gia, để hạn chế tình trạng này, cần tăng cường quản lý, áp dụng các biện pháp điều tiết, cân đối cung - cầu; kiên quyết thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo pháp luật.

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia cho rằng, giá thịt lợn cao không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng mà còn khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, nguy cơ khó kiểm soát CPI năm 2020 dưới 4%. Chỉ tính từ chuồng nuôi ra đến chợ, giá thịt lợn đã tăng 1,7 lần, bởi vậy cần có sự chung tay vào cuộc của các bên, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp tăng đàn, liên kết cung ứng giữa các địa phương, tiết giảm chi phí kinh doanh và đa dạng hóa nguồn thịt nhập khẩu; kiểm soát độc quyền và "thổi giá" ở khâu trung gian trong chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, tiêu dùng.

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV vừa qua, khi nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại giá nhiều mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là giá thịt lợn tăng đột biến, ảnh hưởng tới đời sống người dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng là do cung - cầu chưa gặp nhau. Để giảm giá, có ba giải pháp: Một là đẩy nhanh tái đàn, hai là đa dạng "rổ" thực phẩm và cuối cùng là rà soát tình trạng đẩy giá thịt heo ở khâu thương lái, phân phối. Không nên chỉ tập trung ăn thịt lợn mà cần đa dạng hóa các loại thực phẩm khác khi giá mặt hàng này quá cao, như thịt gà, cá, tôm, trứng... Rằng Bộ đã yêu cầu 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bán con giống cho người chăn nuôi và đề nghị các địa phương hỗ trợ giá để giảm bớt khó khăn - nhưng những gì đang diễn ra với mặt hàng thịt lợn là rất phi lý.

         Điều phi lý này diễn ra trong khoảng thời gian dài và ngoài nguyên nhân khách quan, có "đóng góp" rất nhiều bởi nguyên nhân chủ quan đó là các khâu trung gian. Như Thủ tướng Chính phủ từng đề cập hồi cuối tháng 4: Giá thịt lợn hơi lên tới 90.000 đồng/kg là "quá đáng", nhưng vấn đề là người chăn nuôi có được hưởng không hay chỉ một bộ phận?

Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ kiểm tra vì sao nguồn cung đã được bổ sung, giá lợn hơi giảm, nhưng giá thịt lợn trên thị trường trong tháng 6 vẫn tiếp tục tăng 3,36% so với tháng trước - thời điểm chưa được phép nhập lợn sống từ Thái Lan về để giết mổ? Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm rõ có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để thao túng giá và vi phạm pháp luật về cạnh tranh của một số doanh nghiệp lớn hay không. Nếu có, sẽ xử lý nghiêm - đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định khi trao đổi với báo chí. 

Dẫu vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là khi nào giá thịt lợn giảm về mức chấp nhận được?

Khánh Ninh