Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013

- Thứ Tư, 24/11/2021, 20:09 - Chia sẻ
Chiều 24.11, tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013”. Hội thảo là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ, thảo luận và đề xuất những kiến nghị, góp ý nhằm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Đây cũng là sự kiện khoa học đầu tiên của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong chuỗi hội thảo đóng góp ý kiến cho các dự thảo luật quan trọng theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội Khóa XV.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn phát biểu tại hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Luật Đất đai hiện hành đã giải quyết được một cách tương đối hiệu quả nhiều vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến quản lý nhà nước đối với đất đai, vấn đề chiếm hữu, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội đã làm này sinh những vấn đề pháp lý mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa điều chỉnh. Vẫn còn có những chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách và pháp luật đất đai với các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng, chống tham nhũng… Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; vẫn diễn ra tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai…

Trước thực trạng này, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đặt ra nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về đất đai để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, khắc phục những bất cập của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng đất; việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 đã được Quốc hội Khóa XV đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Hội thảo gồm 2 chuyên đề: Những vấn đề lý luận về cải cách pháp luật đất đai; Thực trạng pháp luật đất đai ở Việt Nam và những kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận về những vấn đề lý luận về cải cách pháp luật đất đai; thực trạng pháp luật đất đai ở Việt Nam và những kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Khẳng định đất đai là một nguồn tài nguyên quan trọng và có giới hạn, quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai sẽ đem tới những lợi thế cạnh tranh và tạo ra một xã hội ổn định và thịnh vượng, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho rằng, mô hình tổ chức bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam trong thời gian tới cần được tổ chức theo mô hình quản lý thống nhất từ trung ương tới địa phương, dựa trên ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất theo ba nội dung chính của công tác quản lý nhà nước về đất đai là quản lý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý giá đất, và quản lý quy hoạch sử dụng đất.  

Với một quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới như Việt Nam thì đất nông nghiệp có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, xã hội. PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế - Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định, đất nông nghiệp là một chế định chủ yếu, quan trọng của Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chính sách, pháp luật về đất nông nghiệp góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu của cách mạng qua từng giai đoạn và đóng góp vào những thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành nông nghiệp nước ta đứng trước những thách thức vô cùng to lớn mà điều dễ nhận thấy là năng suất lao động thấp khiến giá thành nông sản cao khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Mặt khác, quá trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tình trạng ruộng đất canh tác manh mún; quy mô sản xuất của hộ gia đình còn nhỏ lẻ… Điều này có nguyên nhân từ chính sách, pháp luật về đất nông nghiệp chưa phù hợp hoặc bất cập trước yêu cầu của tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến đề xuất trong sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 bổ sung quy định giải thích cụ thể về khái niệm tích tụ đất nông nghiệp; khái niệm tập trung đất nông nghiệp để có cách hiểu thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đạt hiệu quả; bổ sung quy định chính sách thuế để điều chỉnh quy mô sử dụng đất nông nghiệp; bỏ quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp bằng việc bổ sung quy định giao, cho thuê đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài như đối với đất phi nông nghiệp…

Đỗ Vũ