Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật: Công khai, minh bạch và dễ tiếp cận
Tại "Hội thảo trao đổi, thảo luận các khó khăn, vướng mắc và tập huấn nâng cao kỹ năng cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật" do Bộ Tư pháp vừa tổ chức; Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) Hoàng Xuân Hoan nêu rõ, nhằm khắc phục tình trạng xây dựng tràn lan cơ sở dữ liệu pháp luật tại các bộ ngành, địa phương; năm 2014, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật được công khai, minh bạch; người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.
Cập nhật trên 140.000 văn bản QPPL
Chia sẻ về thực trạng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, ông Trần Chí Tâm, Phó Chánh Văn phòng Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho biết, cuối năm 2013, Bộ Tư pháp đã đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống thông tin về văn bản QPPL thống nhất từ Trung ương tới các địa phương. Đến năm 2014, Bộ Tư pháp đã vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật tại địa chỉ: http://vbpl.vn và tiếp tục duy trì đến thời điểm hiện nay.
Các văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được cập nhật trực tiếp bởi đầu mối tại các bộ, ngành, địa phương. Việc cập nhật văn bản được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, từ kiểm tra, đối chiếu văn bản trước và sau khi cập nhật, bảo đảm kịp thời, đầy đủ.
Theo số liệu thống kê trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tính đến 23.7.2024, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã cập nhật được 140.462 văn bản QPPL. Trong đó, các cơ quan ở Trung ương cập nhật được 43.847 văn bản; các cơ quan ở địa phương cập nhật được 96.613 văn bản. Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật còn kết nối với Bộ pháp điển điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp…

Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan nhấn mạnh, sau hơn 10 năm đưa vào khai thác và sử dụng chính thức trên internet, Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đã góp phần minh bạch hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu về việc xây dựng nhà nước pháp quyền; bảo đảm quyền dân chủ của người dân được thông tin và tiếp cận các văn bản pháp luật dễ dàng, phục vụ tích cực cho người dân trong hoạt động tìm hiểu, học tập và thực hiện pháp luật. Đồng thời, tạo ra kho dữ liệu các văn bản pháp luật phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác thống kê, theo dõi tình hình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật trên phạm vi toàn quốc.
Với giao diện đơn giản, dễ tìm kiếm, dễ khai thác, cung cấp các chức năng, tiện ích cơ bản và thuận tiện; Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đã hỗ trợ tích cực công tác nghiệp vụ trong ngành tư pháp, các cơ quan trung ương và các UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; phục vụ công tác tra cứu, nghiên cứu, xây dựng các chương trình khoa học về pháp luật; tạo ra các cơ chế để bảo đảm thống nhất việc thu thập, cập nhật văn bản pháp luật và xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, quản lý, duy trì, thu thập, cập nhật văn bản pháp luật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Nâng chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng
Ông Hoàng Xuân Hoan cũng chỉ ra một thực tế là hiện nay còn tình trạng một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chú trọng tổ chức, triển khai nhiệm vụ duy trì, cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; chưa đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh tuyên truyền cho công tác này, chưa phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp… dẫn đến việc tổ chức, thực hiện đăng tải, cập nhật văn bản thiếu kịp thời, chính xác; sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật còn hạn chế so với nhu cầu tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật.
Mặt khác, nội dung của Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật hiện nay còn tình trạng chưa bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác; hệ thống phần mềm còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa hỗ trợ được tối đa công tác quản lý, duy trì và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác này, đặt ra yêu cầu sớm được hoàn thiện.
Ông Trần Chí Tâm, Phó Chánh Văn phòng Cục Kiểm tra văn bản QPPL cho rằng, cần sớm hoàn thiện thể chế về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng văn bản được đăng tải; quy định các trường thông tin bắt buộc, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; quy định cơ quan ban hành văn bản là cơ quan có trách nhiệm đăng tải.
Đồng thời, thống nhất 1 chủ thể thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điện tử và Bộ pháp điển; quy định về kinh phí bảo đảm, tăng cường nguồn lực tài chính, hiện đại hóa phương tiện, hạ tầng kỹ thuật cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thi hành nghiêm túc quy định của pháp luật về việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật...
Theo các chuyên gia, cần nghiên cứu đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo hướng tăng cường chuẩn hóa dữ liệu, tự động hóa quy trình đăng tải văn bản, hỗ trợ tối đa công tác quản lý nhà nước; gia tăng tiện ích, tạo thuận tiện trong duy trì, quản lý và hiện đại, thân thiện trong tra cứu, sử dụng; kết nối, chia sẻ, tích hợp và trích xuất dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật với các nhiệm vụ khác trong quy trình hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Không ít ý kiến cho rằng, cần tham mưu cơ quan có thẩm quyền quy định hỗ trợ kinh phí cho việc cập nhật văn bản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Bởi vì, công chức thực hiện nhiệm vụ phần lớn là kiêm nhiệm, công việc thực hiện ngày càng nhiều, nên việc cập nhật các văn bản vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật gần như thực hiện ngoài giờ hành chính. Do đó, khi có kinh phí hỗ trợ, sẽ tạo động lực, tinh thần cho công chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.