Khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh cảng quốc tế
Tại Chương trình, chuyên gia, Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình - Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông Vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: Một số tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đã có chính sách thu hút vận chuyển hàng container bằng tàu biển cho cả hãng tàu lẫn chủ hàng. Thực tế đã chứng minh chính sách hỗ trợ này bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu hút đầu tư. Long An là tỉnh đi sau về chính sách này nên sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong vận dụng thực hiện phù hợp, hiệu quả từ kinh nghiệm các địa phương trước.
Theo chuyên gia, tỉnh cần phân tích đặc điểm luồng hàng, đánh giá năng lực cạnh tranh của cảng Long An so với các cảng lân cận như thế mạnh về vị trí cảng, kết nối giao thông, năng lực hạ tầng và trang thiết bị, chất lượng dịch vụ và chi phí dịch vụ trọn gói của chủ hàng nội địa và hàng xuất nhập khẩu quốc tế qua cảng. Đặc biệt, cần làm rõ các chi phí về tiền và tổn thất thời gian của chủ hàng và của hãng tàu khi có hàng, có tàu đi đến cảng Long An so với các cảng lân cận. Từ đó, định vị nhóm giải pháp chủ lực thu hút luồng hàng container. Song song với chính sách hỗ trợ tài chính, các cảng cần duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng và quy trình để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Theo bà Ngô Thị Thanh Vy - Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khai thác và Quản lý Cảng Quốc tế Long An, hiện nay, Cảng Quốc tế Long An có tiềm năng rất lớn; đã hoàn thành và đưa vào khai thác 7 cầu cảng với tổng chiều dài 1.670m và 1 triệu mét khối kho bãi, đáp ứng khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 70.000 DWT. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, sẽ mở rộng quy mô lên 9 cầu cảng, với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 100.000 - 200.000 DWT nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Mặt khác, Cảng có đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm và tâm huyết, cung cấp các giải pháp logistics trọn gói và cảng biển đa chức năng an toàn, hiệu quả. Nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đều đánh giá rất cao về tiềm năng, vị trí chiến lược, trang thiết bị hiện đại đã được đầu tư tại Cảng.
Để phát huy lợi thế cũng như giảm bớt sự e ngại của các hãng tàu, Cảng Quốc tế Long An đề xuất tỉnh quan tâm, xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi vào lĩnh vực xuất nhập khẩu qua Cảng cũng như chính sách hỗ trợ chủ tàu, chủ hàng thu hút container vào Cảng trên địa bàn tỉnh nói chung và Cảng Quốc tế Long An nói riêng. Qua đó, góp phần thu hút hoạt động thương mại hàng hóa qua cảng biển của tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh; đồng thời, đây còn là yếu tố chiến lược thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất, xuất khẩu tại địa phương.
Cơ sở khoa học quan trọng hình thành chính sách
Tại Chương trình “Bàn tròn chính sách”, Tiến sĩ Mai Văn Nhiều - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết: Hiệu quả kinh tế - xã hội dự kiến thu được qua chính sách này sẽ trực tiếp làm tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh từ nguồn thu thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng; tác động gián tiếp từ việc hình thành các tuyến vận tải biển hàng hóa bằng container và tạo ra các khoản thu từ doanh nghiệp dịch vụ tại cảng và các đơn vị vận tải nội địa, logistics.
Chính sách sẽ tạo động lực quan trọng để Cảng Quốc tế Long An thực sự trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia; làm tăng nhanh hoạt động xuất nhập hàng hóa, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, góp phần làm cho hình ảnh điểm đến đầu tư của tỉnh Long An nâng lên tầm cao mới, mang tính toàn cầu, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đồng thời, thể hiện đúng tinh thần chính quyền luôn đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư vì sự phát triển chung.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh hoan nghênh, ghi nhận, đánh giá rất cao nội dung trao đổi, chia sẻ chuyên sâu của chuyên gia, doanh nghiệp với nhiều thông tin, quan điểm, khuyến nghị, góc nhìn đa chiều về việc xây dựng chính sách khuyến khích vận chuyển container vào cảng trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là cơ sở khoa học rất quan trọng để hình thành, xây dựng chính sách cụ thể bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp yêu cầu phát triển chung và đúng quy định pháp luật.
Trên cơ sở kết quả Chương trình “Bàn tròn chính sách”, Thường trực HĐND tỉnh Long An đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ từng khuyến nghị của diễn giả, doanh nghiệp; có đánh giá dự kiến tác động và hiệu quả cụ thể của chính sách. Trong đó, cần xác định rõ: cơ sở pháp lý và thực tiễn ban hành chính sách; đối tượng nào cần được hỗ trợ (chủ tàu, chủ hàng, đơn vị vận chuyển); mức hỗ trợ như thế nào để vừa phù hợp với khả năng ngân sách của tỉnh, vừa kích thích tạo được động lực cho phát triển, vừa hài hòa lợi ích với các tỉnh, thành phố trong vùng; thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ sao cho hợp lý (giai đoạn, điểm hòa vốn); trình tự, thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ sao cho thuận lợi, đúng quy định…
Với tinh thần “5 thật, 7 dám” (nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, để người dân được hưởng thụ thật; dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và dám hành động vì lợi ích chung), Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết, HĐND tỉnh thể hiện quyết tâm xây dựng, ban hành nghị quyết về chính sách khuyến khích thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 như chương trình xây dựng nghị quyết đã đề ra.