Chính sách tiền tệ đã không thay đổi trong hai lần xem xét vào năm 2023, với lần điều chỉnh cuối cùng vào tháng 10.2022. Vì vậy, đây là lần thứ 3 liên tiếp, MAS giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ hiện tại.
Không giống như hầu hết các ngân hàng trung ương quản lý chính sách tiền tệ thông qua lãi suất, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đặt ra lộ trình mà họ gọi là dải chính sách của tỷ giá hối đoái danh nghĩa hiệu quả bằng đô la Singapore (S$NEER), do đó củng cố hoặc làm suy yếu đồng nội tệ so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính.
Triển vọng kinh tế và lạm phát
Theo MAS, triển vọng của nền kinh tế Singapore sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm tới, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến đạt từ 1 đến 3%. Sự thay đổi trong chu kỳ điện tử toàn cầu và việc giảm lãi suất toàn cầu được dự đoán sẽ giúp hỗ trợ sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và tài chính, khi tăng trưởng trong các lĩnh vực định hướng trong nước tiếp tục bình thường hóa theo tốc độ trước đại dịch.
Về lạm phát, ngân hàng trung ương dự kiến lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí chỗ ở và phương tiện đi lại cá nhân, có thể sẽ vẫn ở mức cao trong thời gian đầu năm. Trong quý đầu tiên năm 2024, dự kiến giá tiêu dùng sẽ tăng một phần do tác động từ việc tăng 1 điểm phần trăm trong Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST), cũng như việc tăng thuế carbon. Trong quý 2, giá nước sẽ tăng 20 cent/m3 từ ngày 1.4 tới, như một phần của đợt tăng giá theo từng giai đoạn nhằm đối phó với chi phí sản xuất cao hơn. Ngoài ra, lạm phát đối với một số thành phần dịch vụ, bao gồm giao thông công cộng và chăm sóc sức khỏe, cũng có thể tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, lạm phát lõi, vốn là phong vũ biểu quan trọng của ngân hàng trung ương sẽ giảm dần vào quý 4. Chỉ số lạm phát chính dự kiến sẽ giảm xuống mức trung bình 2,5% đến 3,5% vào năm 2024, không thay đổi nhiều so với ước tính trước đó. Loại trừ tác động của việc tăng thuế GST trong năm nay, lạm phát cơ bản được dự báo ở mức 1,5 đến 2,5%. Sự tăng giá bền vững của biên độ chính sách sẽ tiếp tục làm giảm lạm phát nhập khẩu và hạn chế áp lực chi phí trong nước, do đó bảo đảm sự ổn định giá cả trong trung hạn. Vì vậy, các thiết lập chính sách tiền tệ hiện tại vẫn được cho là phù hợp.
Tuy nhiên, MAS cũng lưu ý về rủi ro đối với triển vọng lạm phát vẫn còn. Những cú sốc về giá lương thực và năng lượng toàn cầu hoặc chi phí lao động trong nước có thể gây thêm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, sự suy yếu bất ngờ của nền kinh tế toàn cầu có thể khiến áp lực chi phí và giá cả giảm bớt nhanh hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, MAS sẽ giữ nguyên các thiết lập chính sách trong một thời gian, do lo ngại về lạm phát khó khăn trong bối cảnh những bất ổn địa chính trị bên ngoài, cũng như giá cả trong nước tăng vọt.