Có phải xung đột giữa các nền văn minh không ?
Cuộc khủng hoảng xung quanh vụ tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed và bài phát biểu của Giáo hoàng Benedict XVI lắng dịu ít lâu, căng thẳng giữa phương Tây và một số nước Hồi giáo lại bùng phát sau khi Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sỹ cho nhà văn gốc Ấn Salman Rushdie, người bị các nước Hồi giáo buộc tội báng bổ đạo Hồi.

Salman Rushdie từng bị Giáo chủ Khomeyni của Iran tuyên án tử hình vắng mặt năm 1989 do tác phẩm Những vần thơ của Quỷ Sa tăng của ông bị coi là báng bổ Nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi. Làn sóng phản đối quyết định của Chính phủ Anh đã lan rộng ở Pakistan và Iran, nước vốn đang ở trong tình trạng căng thẳng với phương Tây về hồ sơ hạt nhân. Ngay trong ngày 18.6, Nghị viện Pakistan đã thông qua nghị quyết đòi Anh “phải rút lại ngay lập tức tước Hiệp sỹ” đã phong cho Rushdie. Đại diện của Anh tại Pakistan cũng bị triệu đến Bộ Ngoại giao. Maulana Fazlur Rehman, lãnh tụ phe đối lập tại Nghị viện Pakistan đã kêu gọi tín đồ Hồi giáo biểu tình phản đối quyết định của Chính phủ Anh, đồng thời cho rằng “những hành động tương tự sẽ nuôi dưỡng ngọn lửa hận thù, nhất là khi phương Tây đã làm những tín đồ Hồi giáo vô tội ở Iraq và Afghanistan” đổ quá nhiều máu. Iran, nước đang có nhiều vướng mắc với phương Tây cũng không bỏ lỡ cơ hội bày tỏ quan điểm. Iran tuyên bố hành động trên thể hiện chính sách “bài xích đạo Hồi” của Chính phủ Anh và gây tổn thương nặng nề cho hơn 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới cũng như những người theo các tôn giáo khác.
Nhưng có vẻ như khác với hai vụ trước, thái độ phản đối của thế giới Hồi giáo chỉ dừng lại ở Pakistan và Iran mà chưa có dấu hiệu lan sang các nước khác. Ở Trung Đông, các tín đồ Hồi giáo đang còn phải nín thở trước những tranh chấp nội bộ giữa Fatah và Hamas. Ở Iraq, người Shiite và Sunni cũng đang lo lắng thường nhật với những vụ tấn công ăn miếng trả miếng. Ở nhiều nước khác, làn sóng phản đối cũng chỉ dừng ở mức độ kêu gọi biểu tình hoặc yêu cầu Chính phủ Anh có những giải thích phù hợp. Nhiều chính phủ và hội đoàn Hồi giáo đã cảnh báo dân chúng và tín đồ trước một sự kích động mù quáng như đã diễn ra hồi năm ngoái sau vụ tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed hay sau bài phát biểu gây hiểu nhầm của Giáo hoàng Benedict XVI.
Kể từ sau vụ khủng bố ngày 11.9.2001, quan hệ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo ngày càng trở nên căng thẳng, gợi nhắc đến luận thuyết về cuộc xung đột giữa các nền văn minh của nhà chính trị học người Mỹ Samuel Huntington.
Nhưng thế giới không đơn giản chỉ phân chia thành những nền văn hóa – tôn giáo như cách nhìn của Huntington mà trước hết đó là các dân tộc, các quốc gia với những tính toán riêng của mình. Một nhà báo Pakistan làm việc tại London đã thốt lên: “Không hiểu Pakistan cho mình là ai? Họ có quyền gì để tự xưng là người bảo vệ cho đạo Hồi trên toàn thế giới?”. Giành được độc lập năm 1947, Pakistan khi đó mong muốn trở thành “chốn đi về” cho những tín đồ Hồi giáo ở Nam Á và vì vậy Pakistan đã trở thành Nhà nước Hồi giáo đầu tiên trên thế giới. Nhưng không phải vì thế mà Pakistan không lợi dụng vụ việc xung quanh nhà văn Rushdie như một công cụ chính trị hữu hiệu trong bối cảnh kỳ bầu cử tổng thống đang đến gần. Rõ ràng vụ Rushdie là một cơ hội tốt để Chính phủ làm "loãng" những vấn đề nội bộ Pakistan như việc Tổng thống sa thải Chánh án Tòa án Tối cao gây nhiều tranh cãi.
Với Iran, vụ việc này cũng là cơ hội tốt để hướng dư luận khu vực và thế giới sang một mâu thuẫn ở tầm vĩ mô hơn là mâu thuẫn giữa phương Tây và Iran xung quanh chương trình hạt nhân, việc Iran dính líu vào cuộc nội chiến ở Iraq hay những cáo buộc cho rằng Tehran đứng đằng sau cuộc xung đột Fatah - Hamas ở Palestine. Ở điểm này, thật ngẫu nhiên, tư duy của giới lãnh đạo Iran dường như trùng với cách nghĩ của những người ủng hộ luận thuyết Huntington khi họ đẩy những mâu thuẫn của các quốc gia thành mâu thuẫn giữa những nền văn hóa hay tôn giáo.
Rõ ràng chẳng có cuộc xung đột nào như Huntington và một số người mong muốn, mà chỉ có những toan tính về lợi ích và việc chính trị hóa những vấn đề tôn giáo nhằm che đậy những toan tính lợi ích đó. Màn kịch đang trở nên quá quen thuộc trong mối quan hệ giữa phương Tây và phương Đông vốn có nhiều khác biệt.
Vũ Đoàn Kết