Bảo hiểm xã hội một lần

Có phải phao cứu sinh?

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 15:21 - Chia sẻ
Tính đến hết tháng 12.2020 đã có hơn 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, số thu BHXH năm 2020 là gần 260 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11 lần so với năm 2007 khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Đây là những thành quả ban đầu của việc thực hiện Luật mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.

Bên cạnh con số ấn tượng đó, việc thực thi Luật cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế trong đó có quy định về BHXH một lần. Có thể thấy mỗi năm bình quân có khoảng 600.000 người hưởng BHXH một lần và rời khỏi hệ thống BHXH báo hiệu những bất cập của chính sách tác động đến tới an sinh xã hội và quyền lợi lâu dài của người lao động. 

(Ảnh minh họa nguồn: luatvietnam.vn)
(Ảnh minh họa nguồn: luatvietnam.vn)

Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH là sự bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Trong một số trường hợp, những người tham gia BHXH khi có yêu cầu sẽ được giải quyết bảo hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt này đang gia tăng bất thường và trở nên phổ biến như “phao cứu sinh” mà người đóng bảo hiểm vận dụng trong hoàn cảnh khó khăn. Ngay ở một tỉnh công nghiệp đang phát triển như Phú Thọ, tình trạng này cũng khá nhiều. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có 1.854 người nhận BHXH một lần với số tiền bình quân dao động ở mức 28 - 29,5 triệu đồng/người.

Tại sao chính sách nhân văn, bảo đảm an sinh xã hội với khoản tiền tích lũy để làm điểm tựa khi về già lại có thể rút bất kì lúc nào để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt? Người lao động có thể đã biết việc rút BHXH một lần sẽ làm mất đi chỗ dựa an sinh của chính mình khi về già, không còn sức lao động. Nhưng họ vẫn rút và có nơi dường như là “phong trào”, xem như giải pháp kinh tế trước mắt, như “phao cưu sinh” trong lúc vùng vẫy với khó khăn tìm việc.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải cắt giảm nhân sự, sản xuất cầm chừng hoặc tạm thời cho công nhân lao động nghỉ việc luân phiên. Điều này là một yếu tố tác động không nhỏ đến thu nhập, đời sống, việc làm của công nhân. Bên cạnh đó, điều kiện hưởng BHXH một lần lại khá dễ dàng vì sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng BHXH một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó. Như vậy, với mức đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 8% tiền lương từ phía người lao động, một năm đóng 0,96 tháng lương thì việc hưởng 2 tháng lương khi nhận BHXH một lần được xem như là có lãi. Mặt khác, với việc phải đóng bảo hiểm theo thời gian công tác quá lâu khiến người lao động phân vân toan tính “giải phóng” những cam kết an sinh xã hội lâu dài khi gặp khó trong việc làm, đời sống thường nhật. Một bộ phận người lao động lại có tâm lý bỏ “cọc” lấy “phao”, lựa chọn BHXH một lần cho nhu cầu trước mắt. Nhưng “phao” này mang lại sự thua thiệt rất nhiều cho người lao động.

Giảm thiểu và ngăn chặn việc hưởng BHXH một lần không đơn giản là đấu tranh với nhận thức giá trị lâu dài của bảo hiểm mà còn là vấn đề lợi ích kinh tế, việc làm và sự ràng buộc của pháp luật để bảo vệ quyền lợi lâu dài của người lao động. Bên cạnh điểm mấu chốt là giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động... thì cần có chính sách cho vay tiêu dùng, sản xuất nhỏ giải quyết khó khăn trước mắt của người lao động như “áo phao” khi gặp lũ “mất việc, giãn việc”. Đồng thời xây dựng chế độ đóng- hưởng linh hoạt hơn với quy định thời gian giảm dần 15 năm tiến đến 10 năm.

Chính sách BHXH phải được luật hóa mới ổn định lâu dài, bền vững. Điều này đòi hỏi sớm sửa đổi Luật BHXH, khắc phục những sơ hở, vướng mắc. Mặt khác, cần mở rộng mạng lưới thông tin, truyền thông để chuyển biến nhận thức của người lao động về ý nghĩa, giá trị kinh tế xã hội, nhân văn của chính sách BHXH cho từng cá nhân; thay đổi phương thức quản lý để tạo sự hài lòng, niềm tin của người dân với chính sách an sinh của Nhà nước.

Thanh Hà