Cổ ngữ ở làng nghề Châu Khê

Đặng Văn Lộc 14/04/2013 09:20

Khách du lịch đến Châu Khê hiện nay mới chỉ thưởng lãm phong cảnh thuần hậu, đầy chất thơ ở làng cổ gần 1.000 năm tuổi, xem trình diễn và mua sản phẩm vàng bạc; mấy ai để ý đến những câu nói của thợ với thợ, của thầy dạy với trò học nghề - vốn có từ xa xưa ở làng nghề nổi tiếng này.

Sản phẩm vàng bạc mỹ nghệ của Châu Khê
Sản phẩm vàng bạc mỹ nghệ của Châu Khê

Làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương được biết đến là làng nghề tạo ra những sản phẩm vàng bạc trang sức nổi tiếng. Người Châu Khê gần như đứng đầu cả nước về tạo dụng cụ chế tác vàng bạc và sản phẩm vàng bạc mỹ nghệ. Cùng với quá trình tạo ra sản phẩm mới là quá trình đặt tên cho dụng cụ, cho động tác làm ra sản phẩm. Đó không chỉ là những từ ngữ đơn thuần mà có thể coi là di sản văn hóa phi vật thể. Kinh nghiệm hơn 550 năm luyện kim, phân kim, chế tác hàng ngàn, hàng vạn sản phẩm vàng bạc mỹ nghệ, các dụng cụ, đồ nghề cho mình, cho các cơ sở làm vàng bạc trong và ngoài tỉnh, người thợ Châu Khê có nhiều từ ngữ mà người ngoại đạo khó có thể hiểu được. Khách du lịch đến Châu Khê hiện nay mới chỉ thưởng lãm phong cảnh thuần hậu, đầy chất thơ ở làng cổ gần 1.000 năm tuổi, xem trình diễn và mua sản phẩm vàng bạc; mấy ai để ý đến những câu nói của thợ với thợ, của thầy dạy với trò học nghề, có từ rất xưa ở đây. Người có kiến thức ngôn ngữ học, có vốn liếng tiếng Việt phong phú, khi nghe người Châu Khê nói với nhau về tên dụng cụ, thao tác để hoàn thành một sản phẩm thì cũng không hiểu được. Đã nhiều lần tôi về Châu Khê lấy tư liệu về lịch sử, kinh tế, văn hóa, phong tục, lễ nghi để viết về làng, về lễ hội làng nhưng nghe những từ như: ve vẩy, ve vắt, ve chênh, khò rúc, doi, cườm… khi thầy dạy nghề nói với trò hay khi 2 người thợ nói với nhau, cũng không hiểu nghĩa, mặc dù những chữ, những từ ấy là tiếng Việt cả, nghe quen mà lạ.

Đem chuyện này thắc mắc với 3 người: ông Phạm Minh Tiến, 75 tuổi, ông Phạm Văn Hưng, 58 tuổi, anh Hoàng Đình Dương, 47 tuổi, đều là người Châu Khê, có tay nghề lâu năm, được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Các ông bảo, muốn hiểu từ ngữ chuyên môn phải cùng làm, cùng sống dài ngày với  thợ, với dân làng, nhưng có cách hiểu khác là tìm hiểu từng lĩnh vực như: tên dụng cụ đồ nghề, động tác tạo sản phẩm từ thô đến tinh. Ví dụ, người dạy nghề nói: anh cháy cho dây chuyền này, chữ cháy người thợ phải hiểu là dùng mỏ hàn chuyên dụng để gắn tiếp điểm của sợi dây vàng, bạc đã uốn thành vòng tròn nhỏ để những vòng tròn này ngoắc vào nhau thành dây chuyền đạt độ đẹp và chắc. Hàn bằng kỹ thuật này gọi là hàn không có chất kết dính. Khi dùng chất kết dính, cánh thợ gọi là vẩy. Áp dụng kỹ thuật hàn vẩy khi tiếp điểm có đường kính lớn, mới giữ được mối hàn chắc. Với mối nối có tiếp điểm lớn phải hàn vẩy chứ không cháy được. Để tạo được vẩy, thợ phải chọn kim loại phù hợp làm vẩy rồi đưa kim loại ấy đã nóng chảy vào hai đầu tiếp điểm của vàng, bạc. Tạo vẩy cần đạt độ mỏng như váng nước. “Nhẫn 1 chỉ, vẩy 1 lai”, câu thường nói của người trong nghề về trọng lượng để hàn vẩy.

Nghe giải thích về chữ cháy, chữ vẩy trong quá trình tạo thành sản phẩm vàng bạc, chúng tôi nghĩ đến chuyện muốn giải mã bí mật nghề ở làng Châu Khê. Giữ bí mật nghề ở Châu Khê không chỉ truyền cho con trai, con dâu như người đời nghĩ. Trong lịch sử, người Châu Khê từng giữ di sản nghề, quy tắc ứng xử và gửi vào trong câu đối cổ. Ông Phạm Văn Thăng là cháu nội cụ Phạm Đình Quế, chủ hiệu vàng Thế Xuân nổi tiếng ở số 94 phố Hàng Bạc những năm 1950. Sự nổi tiếng của hiệu vàng Thế Xuân đi liền với sự khá giả về kinh tế và có nguyên nhân từ bí quyết luyện vàng thời đó: giã gạch non trộn với vàng và chất gì đó để sau mỗi lần nung, vàng bạc lại tốt hơn (chất lượng vàng đạt độ tuổi cao hơn). Ông Thăng thường phụ giúp bố nung vàng bạc để đạt độ tuổi cao hơn, nắm rõ quy trình nhưng cũng không dám nói ra chất “gì đó”, sợ bị đuổi khỏi làng. Bí quyết ấy được lưu trong câu đối thờ sơn son thếp vàng treo trong gian giữa nhà thờ của đại gia đình ông Phạm Văn Thăng:

Câu đối trong bàn thờ đại gia đình ông Phạm Văn Thắng
Câu đối trong bàn thờ đại gia đình ông Phạm Văn Thắng
Chữ Hán:

Phiên âm: Khẩu như bình, ý như thành/Bình tư hành, minh tư kính

Dịch nghĩa: Miệng kín như bưng, ý chí vững như tường thành/ Cái gì bình thường cho nó là bình thường, cái gì cần sáng cho nó sáng lên.

Có lẽ đó là cách nhắc kiệm lời nhưng hiệu quả với người làm nghề vàng bạc về giữ bí quyết nghề: miệng kín như bưng, ý chí vững như tường thành, nhưng luôn tỏa sáng ở từng sản phẩm, ở cung cách ứng xử của người thợ. Câu đối dùng số lượng chữ chẵn ở mỗi vế, luật bằng trắc cũng không tuân thủ quy định” nhị tứ lục phân minh - chữ thứ 2, thứ 4, thứ 6 ở hai câu phải đối về bằng trắc”. Đó là sự khác so với câu đối ta thường gặp. Nếu không nghe người trong cuộc giảng giải, sao hiểu được ý tứ gửi trong từng chữ. Cách giữ di sản nghề nghiệp trong câu đối cổ, có lẽ là nét riêng làng nghề ở Châu Khê.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cổ ngữ ở làng nghề Châu Khê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO