Cơ ngơi không đồng nghĩa cơ đồ

- Thứ Năm, 22/08/2013, 08:25 - Chia sẻ
Được hỏi ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng tôi đắn đo, bởi khó phát biểu đôi câu khi vừa tiếp cận điện ảnh tiên tiến, vừa chứng kiến quá gần sự loay hoay của điện ảnh nước nhà…

Tôi đọc kỹ 31 trang Dự thảo, không chỉ vì nó quan trọng với điện ảnh quốc gia, mà còn bởi nó được nhuận sắc bởi người lãnh đạo, theo tôi có tri thức, tâm huyết. Khác với ngờ ngợ mục tiêu đến năm 2020 đưa điện ảnh Việt Nam lên hàng đầu Đông Nam Á là không tưởng, tôi nghĩ nó khả thi nếu đi đúng hướng; bằng không, mọi mục tiêu dù khiêm tốn đều lãng mạn. Bỏ qua vài câu chữ khuôn sáo, dự thảo rành mạch ba điểm: nâng cao chất lượng tác phẩm, nâng cao năng lực đội ngũ sáng tạo, đầu tư xây dựng. Nhiều nội dung dự thảo khá tiệm cận thế giới - điều trước đây chưa được lưu tâm. Nói vậy bởi cách đây mười năm, trong đợt góp ý chấn hưng điện ảnh, tôi đã hăng say đóng góp hai kỳ báo có tên Câu trả lời từ nơi khác, về hai nơi theo tôi điện ảnh Việt Nam có thể tham vấn.

Đó là chính sách “cô-ta” bảo vệ điện ảnh Hàn Quốc khỏi sự xâm lấn của điện ảnh Mỹ. Rằng chính đạo luật tỷ lệ phim nội đã thúc đẩy điện ảnh Hàn Quốc bùng nổ. Không bao cấp nhưng KOFIC (Korean Film Council) có chính sách đồng vận giữa truyền hình - điện ảnh, mở rộng mạng lưới chiếu phim nghệ thuật - thể nghiệm, củng cố đào tạo, hỗ trợ đề án tốt, khuyến khích tổ chức Liên hoan phim để nâng cao trình độ xem phim của công chúng. Bài thứ hai về điện ảnh Pháp, nơi nổi tiếng chủ trương Ngoại lệ văn hóa bảo vệ điện ảnh thoát khỏi áp chế thương mại Mỹ. Không có cô-ta nhưng thị phần điện ảnh Pháp khá cao, với trung bình 200 phim/năm. Để đi đến kết quả này chính phủ Pháp có ba đối sách: a) Trợ cấp điện ảnh - Trung tâm Điện ảnh Quốc gia (CNC) có quỹ trợ cấp sản xuất lẫn phát hành. b) Phân phối thuế - Tất cả thuế liên quan điện ảnh đều đưa về cho điện ảnh, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư điện ảnh. c) Tài trợ bắt buộc của truyền hình - Cứ 5 năm CNC lại có hợp đồng với các kênh truyền hình, buộc mỗi đài phải trích từ 3 - 15% doanh thu để sản xuất phim nhựa. Điện ảnh Pháp tồn tại nhờ sự đồng tâm giữa quốc sách kiên định, truyền thông tri thức và các LHP uy tín. Bài báo cặn kẽ này khi đó được đưa tận tay các lãnh đạo, song bị thờ ơ.

Nữ Đạo diễn Việt Linh cùng các thành viên giám khảo YxineFF

Ý tưởng quy hoạch điện ảnh, theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, bắt đầu năm 1993 nhưng các dự thảo chưa được chấp nhận. Dự thảo do Cục tái khởi động hiện nay dày, chi tiết nhưng có thể khảo sát hai mảng lớn: đánh giá yếu kém và giải pháp. Mục Điểm yếu và bất cập nhìn nhận hoạt động điện ảnh thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp. Các cơ sở điện ảnh hoạt động kém hiệu quả. Phim Nhà nước tài trợ và đặt hàng không thu hút khán giả. Hệ thống rạp quốc doanh xuống cấp, hoạt động cầm chừng. Đào tạo điện ảnh xa rời thực tế, đội ngũ giảng dạy thiếu trầm trọng. Đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Mục Trang thiết bị và công nghệ ghi nhận hầu hết cơ sở vật chất kỹ thuật được ngân sách đầu tư hoạt động manh mún, hiệu quả thấp. Thiết bị hiện đại nhưng thiếu chuyên gia… Từ đây dễ hiểu sự bức xúc của tác giả Tô Hoàng trong một bài viết: "ngồi tham dự hội thảo vẫn thấy loáng thoáng bóng dáng những vị nguyên là quan chức điện ảnh từng to mồm hò reo đổi mới, hiện đại hóa điện ảnh để hứng lấy phần trăm của nhà thầu và các khoản gian dối, hà lạm khác khi xây dựng công trình này, cơ xưởng kia; hoặc xăng xái, tiên phong ra nước ngoài mua máy móc điện ảnh để hưởng lợi phần trăm hoa hồng mà không ngó ngàng tới khâu đào tạo người sử dụng (…). Và trong đầu những ai tham gia hai cuộc hội thảo không tránh khỏi mối dây liên tưởng giữa việc thực thi bản dự án chiến lược và vụ án thất thoát trên dưới 40 tỷ đồng tại Cục Điện ảnh".

Nữ Đạo diễn Việt Linh cùng tổ quay phim Mê Thảo

Bất ổn lớn nhất của điện ảnh Việt Nam như vậy là cơ chế, nhân lực chứ không phải cơ sở vật chất, nên mọi đề nghị cải tổ, phát triển của dự thảo khởi đi từ đây đều thích đáng. Đó là nhóm giải pháp củng cố đội ngũ quản lý, nâng cấp chất lượng đào tạo. Những điểm thích đáng tiếp theo là củng cố lưu trữ, giao lưu quốc tế, ưu đãi thuế điện ảnh, tăng cường chiếu bóng lưu động, sản xuất phim phục vụ chính trị - dù nên có cơ chế giám sát để tránh những Vinashin điện ảnh. Đề nghị thiết thực, đúng chức năng nhà nước nhất là thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Quỹ này, theo dự thảo được lấy từ doanh thu các phim đặt hàng, trích phần trăm tiền vé xem phim, tiền thu quảng cáo của các chương trình chiếu phim trên truyền hình. Ngoài những đề mục thích đáng kể trên thì nhóm giải pháp xây dựng cơ sở kỹ thuật gây quan ngại, bởi kinh nghiệm cho thấy đây là khâu thất tín. Hẳn nhiên ban lãnh đạo điện ảnh hiện nay không phải chịu hồi tố, song vấn đề không ở chỗ còn lòng tin hay không, mà là sự cần thiết hay không những cơ ngơi tiêu hao ngân sách. Ba thập kỷ trước Thủ đô đã từng có trung tâm điện ảnh đồ sộ nhưng hiệu quả thấp. Rồi tòa nhà bệ vệ hãng phim Giải Phóng mới đây được hấp tấp xây lên với thuyết minh hồ hởi cho sản xuất, giờ sản xuất lưa thưa, diện tích chủ yếu thành nơi chiếu bóng, kinh doanh ngoài điện ảnh.


Nguồn: vtv.vn

Mục xây mới 57 rạp chiếu phim, nâng cấp 49 rạp quốc doanh là mục đáng băn khoăn nhất, với câu hỏi tại sao tiếp tục nuôi nấng một mô hình hấp hối? Đây phải chăng là bước lùi sau mười năm chủ trương cổ phần hóa điện ảnh? Mặt khác, việc có thêm 57 bộ máy công chức xem ra vẫn là kinh nghiệm xấu; chưa nói rạp nhiều, phim sản xuất ít thì lấy chi đáp ứng tỷ lệ 40% phim nội dự thảo đề xuất? Và hệ quả, chắc chắn - như nhiều khuyến cáo - chỉ làm giàu thêm cho Hollywood khi ngành phát hành vốn đang nằm trong tay tư nhân sẽ có lý do chính đáng nhập phim ồ ạt; trong lúc một nền điện ảnh gọi là phát triển chỉ được nhìn nhận ở khâu sản xuất. Dự thảo có nhắc cụm từ thương hiệu điện ảnh Việt Nam, nhưng phần thực trạng sản xuất - nhân tố làm nên thương hiệu - được đề cập khá sơ lược. Toàn bộ trang Sáng tác, sản xuất không có thông số thống kê, trong khi mục Phát hành phổ biến phim dày đặc số là dấu hiệu cho thấy sản xuất ít được tôn trọng. Do tỷ lệ xây dựng công trình quốc doanh áp đảo, có cảm giác chúng ta đang kéo nhau về thời bao cấp, và như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận xét, dự thảo vẫn rơi rớt quan điểm nhà nước là nhà sản xuất lớn nhất, tư nhân chỉ ăn theo. Đại diện công ty BHD rất đúng khi nói thay vì bao biện thiếu hiệu quả, Nhà nước hãy “làm đường” cho các doanh nghiệp điện ảnh bước đi. Nâng đỡ, cảnh giới là bước đi đúng nhất của cơ quan văn hóa.

Chúng ta luôn kỳ vọng sự vươn vai của điện ảnh Việt Nam, nhưng bên cạnh hưng phấn được chia phần “kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa” mà dư luận vẫn đang băn khoăn lãng phí, những người làm điện ảnh Việt Nam cũng nên đắn đo tiền thuế của nhân dân. Cơ ngơi không đồng nghĩa cơ đồ.

Việt Linh