Có nên quy định 2 hình thức nuôi con nuôi?
NĐBO – Nuôi con nuôi là một hiện tượng xã hội xảy ra ở nhiều quốc gia và đều được pháp luật các nước điều chỉnh. Ở nước ta, nuôi con nuôi còn là một vấn đề mang tính nhân đạo sâu sắc nhất là trong hoàn cảnh đất nước phải chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp… Tuy nhiên, cần phải đảm bảo khung pháp lý chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền, nghĩa vụ của người nhận nuôi và con nuôi. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Nuôi con nuôi là hết sức cần thiết. Trong quá trình chuẩn bị dự thảo thì vấn đề quyết định hình thức nuôi con nuôi có nhiều ý kiến rất khác nhau.

Điều 14 của dự thảo Luật Nuôi con nuôi quy định 2 hình thức nuôi con nuôi là “nuôi con nuôi đơn giản” và “nuôi con nuôi trọn vẹn”. Theo đó “Nuôi con nuôi đơn giản” là hình thức nuôi con nuôi đã được quy định trong pháp luật hiện hành, được kế thừa và đưa vào Dự án Luật với sự phát triển và quy định chặt chẽ hơn, rõ hơn đặc thù của quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Nuôi con nuôi đơn giản không làm chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha, mẹ đẻ và con đã cho làm con nuôi.
“Nuôi con nuôi trọn vẹn” là hình thức nuôi con nuôi phổ biến ở nhiều nước và đã tồn tại trong thực tế ở nước ta (đó là nuôi con nuôi đối với trẻ em bị mồ côi, bị bỏ rơi) nhưng lần đầu tiên mới được quy định chính thức trong dự thảo Luật. Việc nuôi con nuôi trọn vẹn làm phát sinh đầy đủ quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi, đồng thời làm chấm dứt hoàn toàn quyền, nghĩa vụ pháp lý giữa cha, mẹ đẻ (nếu còn) và con đã cho làm con nuôi. Nuôi con nuôi trọn vẹn được áp dụng đối với trẻ em từ 15 tuổi trở xuống thuộc trường hợp mồ côi, bị bỏ rơi và trẻ em mà cha, mẹ đẻ tự nguyện đồng ý cho làm con nuôi trọn vẹn. Việc bổ sung chế định này sẽ bảo đảm tốt hơn các quyền, lợi ích của trẻ em, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quy định trên cho thấy, điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 hình thức này là hệ quả pháp lý. Nhưng một vấn đề được đặt ra là có nên đưa quy định về 2 hình thức nuôi con nuôi này vào trong luật? Đưa 2 hình thức nuôi con nuôi này vào trong dự thảo Luật sẽ giải quyết được vấn đề gì? Quy định này đã phù hợp về mặt nhận thức, pháp luật, truyền thống đạo lý của Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế chưa?
Lý giải của cơ quan soạn thảo cho rằng, thực tế ở nước ta, hình thức nuôi con nuôi trọn vẹn cũng đã tồn tại như đối với trường hợp trẻ mồ côi hay trẻ bị bỏ rơi. Nên hình thức nuôi con nuôi trọn vẹn xuất phát từ thực tiễn với mục đích đưa ra các quy định nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em được nhận làm con nuôi trọn vẹn, tạo điều kiện để trẻ em phát triển bình thường mà không bị mặc cảm là con nuôi khi hòa nhập vào đời sống gia đình và cộng đồng xã hội. Mặt khác, quy định hình thức “nuôi con nuôi trọn vẹn” là để xác định cụ thể quyền, nghĩa vụ pháp lý của người nhận và người được nhận làm con nuôi; làm cho pháp luật minh bạch, rõ ràng, tránh việc kiện tụng sau này.
Tuy nhiên cơ quan thẩm tra, UB Pháp luật chỉ ra rằng cần cân nhắc việc quy định 2 hình thức nuôi con nuôi như trong dự thảo Luật.
Lý do trước hết là Bộ luật dân sự cũng như Luật hôn nhân và gia đình hiện hành không quy định về các hình thức nuôi con nuôi, nhưng các quy định của pháp luật hiện hành về nuôi con nuôi thực chất không làm chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ giữa người được nhận làm con nuôi với cha, mẹ đẻ. Cụ thể là, con nuôi có thể được xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha, mẹ đẻ (Điều 28 BLDS); con nuôi có thể nhận lại cha, mẹ đẻ hoặc cha, mẹ đẻ có thể yêu cầu xác định là cha, mẹ đẻ của người đã được nhận làm con nuôi (Điều 43 BLDS); đặc biệt, người được nhận làm con nuôi vẫn được tiếp tục hưởng các quyền lợi như con đẻ trong mối quan hệ với cha, mẹ đẻ của mình, bao gồm cả quyền thừa kế, quyền tiếp tục hưởng mọi quyền lợi của con liệt sĩ, con thương binh, con của người có công với cách mạng (Điều 74 Luật HN&GĐ, Điều 676 và Điều 678 BLDS).
Thứ hai, trong các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi mà Việt Nam đã ký kết cũng không có điều ước nào quy định về hình thức nuôi con nuôi. Trong Công ước La-hay năm 1993 có quy định về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi quốc tế là làm chấm dứt quan hệ pháp lý tồn tại trước đó giữa trẻ em được nhận làm con nuôi và cha, mẹ đẻ. Mặc dù vậy, Công ước cũng không quy định ràng buộc các quốc gia thành viên phải thực hiện quy định này mà cho phép nước có trẻ em được nhận làm con nuôi được quyền cấp phép nuôi con nuôi quốc tế không có hệ quả làm chấm dứt quan hệ pháp lý với cha mẹ đẻ tồn tại trước đó. Trong trường hợp này, người nước ngoài nhận nuôi con nuôi có thể vận dụng pháp luật của nước mình để thực hiện việc chuyển đổi hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi (Điều 27). Nguyên tắc “chuyển đổi” này của Công ước được ghi nhận trong 14 Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi mà Việt Nam đã ký kết.
Như vậy, việc tổ chức nuôi con nuôi như hiện nay vẫn cho phép chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế. Trong trường hợp điều ước quốc tế về hợp tác con nuôi có quy định khác với quy định của pháp luật Việt Nam thì theo nguyên tắc quy định trong Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, các quy định của điều ước quốc tế đó sẽ được áp dụng. Hơn nữa, việc không quy định hình thức nuôi con nuôi mới sẽ tránh được sự xáo trộn các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam, bảo đảm trẻ em được cho làm con nuôi không bị “cắt đứt” mối liên hệ với gia đình, quê hương gốc.
Thứ ba, người Việt Nam vốn có truyền thống hướng về cội nguồn mạnh mẽ. Việc nhận nuôi con nuôi xuất phát từ tình yêu thương, lá lành đùm lá rách, nên mặc dù được nhận làm con nuôi nhưng trẻ em vẫn không bị hạn chế cơ hội tiếp tục duy trì mối quan hệ với cha, mẹ đẻ và gia đình. Ngay cả trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi được nhận làm con nuôi. Dù ở đâu, người Việt Nam cũng luôn mong muốn tìm lại nguồn gốc, tổ tiên, gia đình mình với sự khuyến khích, động viên của toàn xã hội, trong đó có cả cha mẹ nuôi. Thực tế hiện nay, có nhiều chương trình tìm lại người thân với sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang được thực hiện và được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Việc quy định 2 hình thức nuôi con nuôi như trong dự thảo Luật là một vấn đề mới, khác biệt với truyền thống pháp luật về hôn nhân và gia đình ở nước ta và pháp luật nhiều nước cũng không quy định về vấn đề này. Nên chăng, Dự thảo Luật không cần thiết quy định cụ thể về 2 hình thức này.