Có nên ôm đồm?
Không phải đến bây giờ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mới trở thành điểm nóng. Trong khi ngành giáo dục coi kỳ thi này là một sự đổi mới và gặt hái thành công nhất định, thì dư luận xã hội lại cho rằng việc làm đó quá tốn kém. Đổi lại những khoản chi lớn và nỗi cực nhọc, vất vả của hàng nghìn thầy cô giáo là một kết quả khó có thể tuyệt vời hơn: Tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp đạt hơn 97%.
Nhưng niềm vui về một kì thi tốt đẹp chưa kịp lan tỏa thì những người làm công tác thi cử lại phải đối mặt với chuyện chẳng lành khi thành tích đột biến của tỉnh miền núi Hà Giang được báo chí đề cập. Theo đó, số thí sinh có điểm cao ngất của Hà Giang chiếm gần một nửa so với cả nước, vượt xa các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Nghi ngại có sự khuất tất, Bộ Giáo dục - Đào tạo phải vào cuộc. Sau khi kiểm tra quy trình trông thi, chấm thi, xử lý dữ liệu điểm thi... tổ công tác của Bộ Giáo dục phát hiện một số bài thi có kết quả cao bất thường. Bộ Giáo dục ngay lập tức đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định, chấm lại toàn bộ bài thi trắc nghiệm của Hà Giang và phát hiện một số bài có điểm thấp hơn so với công bố. Tổng cộng có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt có thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 29,95 so với điểm chấm thẩm định. Tổ công tác xác định người trực tiếp can thiệp vào kết quả bài thi là ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Hà Giang.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng tỏ ra rất kiên quyết trong việc xử lý sai phạm. Phó Chủ tịch Hà Giang Trần Đức Quý khẳng định, đã chỉ đạo quyết liệt nhưng do không có nghiệp vụ, yếu chuyên môn nên đã tạo khe hở để cán bộ làm sai kết quả thi.
Những thông tin ban đầu được cơ quan chức năng công bố trực tiếp tại Hà Giang đã làm nhẹ lòng dư luận. Vụ việc đang được xử lý nghiêm theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Nhưng vấn đề cần bàn là chiến lược đổi mới giáo dục phải đột phá như thế nào và tháo gỡ nút thắt từ đâu? Cái đích là lo quản lý giáo dục để dạy cho tốt, học cho tốt lại bị xem nhẹ. Chiến lược cải cách tập trung nhiều vào đổi mới thi cử, đã trúng thực tiễn chưa? Phải xem trẻ mầm non, lớp 1 đang học ra sao? Phải xem dạy học ở các cấp phổ thông thế nào? Rồi các trường đại học cứ tuyển sinh, nhưng giáo trình không đổi mới, chương trình không cập nhật, kết cấu lại, giảng viên không chịu nâng tầm kiến thức thì chất lượng đi sau các nước có gì lạ? Cứ tuyển sinh, cứ dạy, cứ học như vậy thì danh sách cử nhân thất nghiệp sẽ không dừng lại ở con số hơn 200 nghìn như hiện nay.
Chỉ một “con sâu” nằm trong Sở Giáo dục Hà Giang mà đã làm náo loạn dư luận. Đấy không thể coi đó là chuyện thường. Cần hiểu, chấm thi trắc nghiệm dễ có tiêu cực hơn chấm các bài tự luận, nhất là ở những khâu có tác động của con người.
Nên tiếp tục tổ chức kỳ thi “2 trong 1” như thế nào, rõ ràng “tư lệnh” ngành giáo dục không thể không lắng nghe dư luận. Vụ việc ở Hà Giang được xem như một điểm đen trong bức tranh mà ngành giáo dục đang cố gắng tô lên những gam màu sáng. Nhưng không thể vì vết đen ấy mà để ảnh hưởng chung đến một kỳ thi vốn được coi là nhẹ nhàng hơn đối với học sinh và xã hội. Thiết nghĩ, việc cần đổi mới là phải làm từ gốc, chứ không thể cứ bám mãi chăm chắm vào “ cái ngọn” theo cách ôm đồm trong thi cử thế này!