Có nên bỏ thủ tục phỏng vấn?

Nguyễn Minh 08/09/2019 09:35

Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình quy định bắt buộc phải thực hiện phỏng vấn khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp nhằm kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn và mức độ hiểu biết lẫn nhau của hai bên nam, nữ. Quy định này, giúp cơ quan có thẩm quyền bác hồ sơ đương sự, xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.

Tuy nhiên, Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn đã bỏ thủ tục này, đồng thời chuyển thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho cấp huyện. Vào thời điểm xây dựng Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thì việc loại bỏ thủ tục này được coi là “bước cải cách mạnh mẽ”, hướng tới bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong việc thực hiện kết hôn. Hơn nữa, việc phỏng vấn lại được xem như một “rào cản pháp lý” nhằm góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của các bên khi kết hôn. Thực tế, vào thời điểm đó, đề xuất trên cũng một phần xuất phát từ vướng mắc, khó khăn của người làm công tác hộ tịch cấp cơ sở, nhất là khi mục đích phỏng vấn rất rộng, vượt ngoài khả năng hiểu biết của cán bộ hộ tịch. Bởi ngoài việc đánh giá mức độ hiểu biết hoàn cảnh gia đình, cá nhân của nhau, phỏng vấn còn để đánh giá mức độ hiểu biết của các bên về văn hóa, lịch sử, pháp luật, phong tục tập quán… mỗi nước.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình lại cho thấy một khía cạnh khác. Trên thực tế, không ít người kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế hoặc vì nhiều lý do khác mà không được thẩm định, phỏng vấn kỹ lưỡng dẫn đến nhiều hệ lụy cho phụ nữ, nhất là các trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Đứng từ góc độ bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của phụ nữ khi kết hôn, nhất là kết hôn có yếu tố nước ngoài, pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng có nhiều quy định mang tính kỹ thuật nhằm loại bỏ kết hôn quốc tế giả, kết hôn không đúng mục đích. Cụ thể, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện việc tư vấn bồi dưỡng cho công dân Việt Nam về pháp luật hôn nhân và gia đình, nhập cư của nước mà người yêu cầu dự định kết hôn với công dân nước đó. Như vậy, một trong các nhiệm vụ của trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là thực hiện tư vấn kết hôn cho phụ nữ. Tuy nhiên, chứng nhận đã qua tư vấn tại trung tâm trong những trường hợp nhất định không còn là quy định bắt buộc trong hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, khi việc phỏng vấn bị bãi bỏ. Điều này càng không phù hợp trong bối cảnh môi giới hôn nhân bất hợp pháp quốc tế vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nhất là cho con cái. Kết quả thực hiện pháp luật hôn nhân và gia đình cho thấy, từ khi thành lập đến năm 2017 đến nay, các trung tâm đã tư vấn cho khoảng hơn 15.000 trường hợp, 2.113 trường hợp được hỗ trợ hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn thông qua các hình thức tư vấn linh hoạt, như gặp gỡ tại trung tâm, qua điện thoại, đến hộ gia đình…

Từ thực tế này cho thấy, pháp luật chuyên ngành về hôn nhân, gia đình và hộ tịch đã có cách tiếp cận khác nhau, hiển nhiên là vì mục tiêu khác nhau và chỉ giải quyết trong phạm vi tháo gỡ, khó khăn vướng mắc của từng lĩnh vực cụ thể, mà chưa nhìn nhận ở những vấn đề chung nhất. Không thể phủ nhận được sự thuận tiện khi bỏ thủ tục phỏng vấn đối với các trường hợp kết hôn đúng mục đích, vậy còn những cuộc hôn nhân quốc tế trá hình thì làm thế nào để kiểm soát, ngăn chặn? Hơn nữa, khi bãi bỏ một thủ tục thì những vấn đề kéo theo như liên đới đến quy định pháp luật khác, việc tổ chức thi hành cũng không được giải quyết một cách triệt để, khiến cho không hiếm các hoạt động hỗ trợ phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài bị vô hiệu hóa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có nên bỏ thủ tục phỏng vấn?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO