Có nên bỏ con dấu doanh nghiệp không?

20/08/2011 08:21

Theo Luật Doanh nghiệp 2005, con dấu là tài sản riêng của doanh nghiệp, phải được lưu trữ và bảo quản tại trụ sở chính. Hình thức, nội dung, điều kiện hay chế độ sử dụng con dấu phải thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tại Hội thảo Hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp 2005 hồi giữa tuần (16.8), vấn đề sửa đổi quy định trong luật theo hướng không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia.

Hiện nay, pháp luật thành văn vẫn thừa nhận vai trò của con dấu trong giao dịch dân sự thương mại, nó có ý nghĩa quan trọng nhằm phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Luật Doanh nghiệp 2005 đã dành riêng Điều 36 để quy định về con dấu của doanh nghiệp. Con dấu và văn bản đóng dấu được xem như yếu tố không thể thiếu để chứng minh tính pháp lý của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, trong hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp, việc sử dụng con dấu gây nên những phiền phức.

Tại Hội thảo Hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Doanh nghiệp 2005, không ít ý kiến cho rằng, nên bãi bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu. Các chuyên gia đã đưa ra tình huống cụ thể cho thấy những quy định khác biệt về con dấu ở Việt Nam so với nước ngoài đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều quốc gia trên thế giới không có quy định bắt buộc tổ chức, doanh nghiệp phải sử dụng con dấu. Một số quốc gia chỉ có luật bảo chứng chữ ký của người đại diện theo pháp luật tại tổ chức, doanh nghiệp đó. Một số nước cho phép doanh nghiệp tự thiết kế con dấu và đăng ký với cơ quan công quyền để làm dấu hiệu nhận dạng. Nhưng theo pháp luật Việt Nam, con dấu của doanh nghiệp phải là dấu tròn 36 ly mực đỏ do cơ quan công an cấp. Do đó, khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam thường lúng túng và không dám ký kết. Điều này gây thiệt hại khá lớn cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Luật gia Cao Bá Khoát và nhóm chuyên gia, con dấu chỉ là dấu hiệu để phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, thực tế chỉ có tính xác thực chứ không có ý nghĩa pháp lý. Hơn nữa, con dấu rất dễ bị làm giả và xét về tính xác thực thì kém nhất so với chữ ký, dấu vân tay, con ngươi, ADN. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005 theo hướng: doanh nghiệp có thể có con dấu hoặc không, doanh nghiệp nào muốn có dấu thì tự quy định đặc điểm con dấu của mình và đăng ký bảo vệ con dấu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như các nước trên thế giới.

Đồng tình với quan điểm này, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ Đinh Dũng Sỹ cho rằng: con dấu hiện nay bị làm giả rất nhiều, do vậy, nên hợp pháp hóa chữ ký đồng thời bỏ đi con dấu của doanh nghiệp. Việc đăng ký cũng như quản lý chữ ký cần học hỏi thêm kinh nghiệm của nước ngoài.

Những phân tích cùng với dẫn chứng xác thực của các chuyên gia phần nào đã cho thấy sự bất cập trong quy định về con dấu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm ngược lại. Theo ông Phan Vũ Anh, đại diện Tổng công ty Vinaconex, không thể tách biệt con dấu và chữ ký. Trên thực tế, có nhiều biên bản cuộc họp của Hội đồng Quản trị hay Đại hội đồng cổ đông, nếu không có con dấu thì không thực hiện được và không được công nhận. Do vậy, cần có quy định cụ thể về con dấu và chữ ký để quản lý nhưng giữa hai dấu hiệu này phải có quan hệ tương hỗ với nhau.

Ở một góc độ khác, nhận thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp nước ta còn hạn chế, nên việc duy trì con dấu là rất cần thiết, bảo đảm được tính hiệu lực và chặt chẽ của việc xác lập, thực hiện các giao dịch của doanh nghiệp. 

Phân tích sâu hơn về hình thức con dấu doanh nghiệp, luật sư Phạm Chí Công, đại diện Công ty Luật Khai Phong góp ý cần bỏ tiêu thức địa danh tỉnh/thành phố/quận huyện trên con dấu doanh nghiệp bởi nếu doanh nghiệp chuyển trụ sở sẽ phải đổi lại con dấu, gây lãng phí.

Vấn đề có nên sửa đổi quy định trong luật theo hướng không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu hay không cần được các chuyên gia, các luật sư nghiên cứu thêm để có thể đưa ra những kết luận khả quan nhất góp phần hoàn thiện Luật Doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có nên bỏ con dấu doanh nghiệp không?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO