Có lộ trình thăng tiến để thu hút lao động chất lượng cao

Minh Châu 15/04/2022 07:13

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đang là bài toán đặt ra cho các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần có lộ trình thăng tiến nghề nghiệp rõ ràng và tạo môi trường minh bạch để thu hút, giữ chân lao động.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trong 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó đáp ứng yêu cầu mới khi kỹ năng lao động không được nâng lên. Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, nguồn lao động trẻ và chi phí thấp của Việt Nam không còn là lợi thế nếu họ không đáp ứng được các yêu cầu.

Trên thực tế, chất lượng nhân lực vẫn là điểm yếu, cản trở sự phát triển. Tại tọa đàm “Nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do Báo Người lao động phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức sáng 14.4, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Tào Bằng Huy cho biết, lực lượng lao động qua đào tạo của cả nước chỉ khoảng 66%, trong đó chỉ 26% có văn bằng chứng chỉ, mức rất thấp so với khu vực. Đáng chú ý, trong tổng số 11% lao động có trình độ đại học trên cả nước, thì Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ - vùng trọng điểm kinh tế chỉ chiếm khoảng 16%, còn thấp so với yêu cầu. Bên cạnh đó, tác phong làm việc, kỹ năng, ý thức nghề nghiệp cũng là vấn đề cần quan tâm, bởi đây là những thành tố làm nên một lao động chất lượng cao.

Lý giải sự thiếu hụt lao động phổ thông chất lượng cao, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc kinh doanh khu vực miền Nam Công ty VietnamWorks thuộc Công ty Navigos Group cho rằng, do sự phân bổ đào tạo theo ngành còn đang mất cân bằng, có tình trạng thừa, thiếu giữa các ngành. Đối với nhóm lao động trung và cao cấp còn có thêm các nguyên nhân như: Có sự cân nhắc lựa chọn nơi làm việc theo khu vực địa lý, thuận tiện cho cuộc sống, dẫn đến xu hướng tập trung vào một số khu vực trung tâm. Hệ quả là những khu công nghiệp, đặc biệt là những khu công nghiệp mới sẽ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tác động của dịch Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn lao động này. Ngoài ra, một số nhân lực chất lượng cao đã được đào tạo, quen với môi trường và phong cách làm việc của các công ty đa quốc gia, quen với việc chuyên môn hóa thường có tâm lý e ngại dịch chuyển qua các công ty địa phương…

Nguồn lao động chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu Nguồn: ITN
Nguồn lao động chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu

Nguồn: ITN 

Thường xuyên đánh giá chất lượng lao động

Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Trương Anh Dũng cho biết, cơ quan này đang xây dựng lộ trình 5 năm, 10 năm về giáo dục nghề nghiệp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo đó, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo, xây dựng các phương thức đào tạo linh hoạt. Phấn đấu thời gian tới, khu vực phía Nam có khoảng 30 trường nghề và 2 trung tâm quốc gia về đào tạo nghề chất lượng cao.

Thiếu hụt lao động chất lượng cao đang là bài toán lớn đặt ra cho các tỉnh vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.  Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên TP. Hồ Chí Minh (YES Center) Nguyễn Quang Cường cho biết, đến năm 2025, khu vực này cần khoảng 640.000 vị trí việc làm, trong đó khoảng 85% nhân lực đã qua đào tạo.

Thực tế, một số địa phương trong vùng đã có những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực. Như tại Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành cho biết, năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với mức đãi ngộ lên tới 600 triệu đồng cho nhân lực công tác trong ngành y tế. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, phù hợp với từng đối tượng được đào tạo; mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục đào tạo; khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học của tỉnh đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao…

Để tăng nguồn lao động chất lượng cao cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Minh Tiến đề nghị, cần thường xuyên đánh giá chất lượng lao động. Đây là bước tiến quan trọng để xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao song thường các doanh nghiệp nhỏ và vừa không quan tâm đúng mức. “Có nhiều tiêu chí để đánh giá một nhân lực, quan trọng nhất là kỹ năng nghề và thái độ trong công việc”, ông Tiến lưu ý.

Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, các doanh nghiệp nên chọn các ứng viên tiềm năng thay vì các ứng viên đã có sẵn kinh nghiệm và kỹ năng đối với yêu cầu mới. Tiềm năng thể hiện ở khả năng học hỏi, không ngại khó, nhận thức tốt và thích nghi nhanh. Đồng thời, doanh nghiệp cần tạo môi trường minh bạch, chấp nhận sự đa dạng, khác biệt để hòa nhập giữa các thế hệ, giới tính; có lộ trình thăng tiến nghề nghiệp để giúp đội ngũ nhân tài có cơ hội phát triển và đóng góp cho doanh nghiệp. Về phía người lao động, cần học tiếng Anh để nắm bắt và sử dụng được các ứng dụng công nghệ ngày càng phổ cập và đa dạng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có lộ trình thăng tiến để thu hút lao động chất lượng cao
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO