Giáo dục

Cơ hội vàng cho người học ngành tâm lý học giáo dục

Nhật Hồng 19/05/2025 07:42

Bộ Nội vụ chính thức công bố vị trí việc làm “chuyên viên tư vấn tâm lý” trong các trường phổ thông, khiến ngành Tâm lý học giáo dục trở thành ngành học hot và cơ hội việc làm cao.

Trao đổi với phóng viên Tiến sĩ Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, việc Bộ Nội vụ chính thức ban hành vị trí việc làm chuyên viên tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông là một quyết định có tính bước ngoặt trong việc phát triển của ngành tâm lý học trường học tại Việt Nam.

Lần đầu tiên, vị trí chuyên viên tâm lý học đường được quy định rõ ràng trong hệ thống vị trí việc làm, có biên chế trong các nhà trường, được mô tả nhiệm vụ cụ thể. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của công tác tư vấn tâm lý trong trường học, mở ra một giai đoạn mới cho phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Là người tham gia phát triển ngành tâm lý học trường học hơn 20 năm qua tại Việt Nam, với tôi, đây không chỉ là một thay đổi về chính sách mà còn là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy xã hội đang ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần của học sinh – một yếu tố thiết yếu để đảm bảo giáo dục toàn diện, nhân văn và bền vững.

z6614384026193_8c7a5cfe448b9a7e56e90cc7fcfc66d6.jpg
Tiến sĩ Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục

Hàng ngàn trường học trên cả nước sẽ cần tuyển dụng chuyên viên tâm lý học đường

- Vậy vai trò cụ thể của chuyên gia tâm lý trong nhà trường hiện nay là gì, thưa ông?

TS. Hoàng Trung Học: Trong bối cảnh học sinh ngày càng đối mặt với nhiều thách thức tâm lý như áp lực học tập, bạo lực học đường, rối loạn cảm xúc, phụ thuộc vào công nghệ… vai trò của nhà tâm lý học đường là không thể thiếu. Họ là người hỗ trợ học sinh phát hiện sớm những dấu hiệu bất ổn tâm lý, can thiệp kịp thời, đồng hành cùng học sinh vượt qua khủng hoảng tâm lý trong quá trình phát triển.

Không chỉ dừng lại ở tư vấn cá nhân, chuyên gia tâm lý còn tham gia đánh giá tâm lý, tổ chức hoạt động nhó-m, hỗ trợ giáo viên, phối hợp với cha mẹ học sinh, xây dựng môi trường học đường tích cực. Họ chính là “bác sĩ tinh thần” trong trường học – người giữ vai trò kết nối giữa nhà trường, học sinh và gia đình để đảm bảo sự phát triển toàn diện về nhận thức, cảm xúc và hành vi của học sinh.

- Ông có thể chia sẻ thêm về nhu cầu nhân lực và triển vọng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục trong thời gian tới?

TS. Hoàng Trung Học: Khi vị trí việc làm được chính thức hóa, điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngàn trường học trên cả nước sẽ cần tuyển dụng chuyên viên tâm lý học đường. Đây là một cơ hội nghề nghiệp rõ ràng, ổn định và có định hướng phát triển lâu dài cho sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục.

Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành này còn có thể làm việc tại các trung tâm tư vấn tâm lý, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, các dự án giáo dục, hoặc tiếp tục học cao học để trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học. Với xu thế xã hội ngày càng quan tâm đến sức khỏe tinh thần, tôi tin rằng nhu cầu tuyển dụng chuyên gia tâm lý giáo dục sẽ tăng mạnh trong 5–10 năm tới.

Sinh viên được đào tạo những năng lực, kỹ năng mà AI không thể thay thế

- Vậy các trường đại học, đặc biệt là Học viện Quản lý Giáo dục, đã chuẩn bị gì để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu này, thưa ông?

TS. Hoàng Trung Học: Học viện Quản lý Giáo dục, với truyền thống đào tạo gắn với thực tiễn giáo dục, đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Tâm lý học giáo dục theo hướng hiện đại, tích hợp kiến thức – kỹ năng – trải nghiệm nghề nghiệp và triển khai đào tạo ngành này trong 20 năm qua.

Đào tạo tại Học viện Quản lý Giáo dục, sinh viên được trang bị nền tảng tâm lý học vững chắc, đồng thời được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường, kỹ năng đánh giá tâm lý, tư vấn học sinh, tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục cảm xúc – xã hội và làm việc liên ngành. Chúng tôi có mạng lưới kết nối rộng với các trường phổ thông, trung tâm tư vấn để tổ chức thực hành, thực tập và định hướng nghề nghiệp thực tế cho sinh viên.

Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như giao tiếp, giải quyết vấn đề, tổ chức chương trình, quản lý cảm xúc – những năng lực mà AI không thể thay thế.

z6613127500596_844bfa0ca6ca25f75c03da0a05f9f1f1.jpg
Ngành chuyên viên tư vấn tâm lý học đường đã trở thành một nghề nghiệp chính thức, được công nhận và bảo vệ bằng chính sách, các em hoàn toàn có thể yên tâm chọn ngành này để theo đuổi lâu dài.

- Ông có lời khuyên nào dành cho học sinh đang cân nhắc theo đuổi ngành Tâm lý học giáo dục?

TS. Hoàng Trung Học: Tôi muốn nhắn nhủ với các em học sinh rằng: Nếu các em có đam mê tìm hiểu con người, yêu thích việc giúp đỡ người khác, muốn đồng hành cùng học sinh vượt qua khó khăn để trưởng thành – thì ngành Tâm lý học giáo dục là con đường rất phù hợp.

Đây là ngành học không chỉ mang lại cơ hội nghề nghiệp rộng mở mà còn giúp các em phát triển bản thân toàn diện, sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực cho xã hội. Đặc biệt, khi vị trí chuyên viên tư vấn tâm lý học đường đã trở thành một nghề nghiệp chính thức, được công nhận và bảo vệ bằng chính sách, các em hoàn toàn có thể yên tâm chọn ngành này để theo đuổi lâu dài.

Học viện Quản lý Giáo dục luôn chào đón những bạn trẻ có đam mê và khát vọng như vậy. Chúng tôi cam kết đồng hành, đào tạo và phát triển các em thành những chuyên gia tâm lý có năng lực và trách nhiệm với cộng đồng giáo dục Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!


    Nổi bật
        Mới nhất
        Cơ hội vàng cho người học ngành tâm lý học giáo dục
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO