Cơ hội trong nghịch cảnh

- Thứ Bảy, 01/08/2020, 07:51 - Chia sẻ
Sau 10 năm đàm phán, Hiệp định thương mại và tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1.8.2020).

EVFTA đến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế toàn cầu, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), một trong những thị trường xuất khẩu lớn của nước ta.

EVFTA đến khi nền kinh tế nước ta trong trạng thái “bình thường mới” chưa được bao lâu, vẫn còn đang “ngấm đòn” Covid-19 đã lại phải bước vào một trận chiến mới gian nan và khốc liệt hơn trước rất nhiều.

Nghịch cảnh ấy ít nhiều khiến doanh nghiệp bớt hào hứng, bớt quan tâm tới một hiệp định tuy không mới, không lạ về quy mô thị trường và những cam kết, nhưng hứa hẹn nhiều lợi ích kinh tế nhất đối với nước ta. Dễ thấy nhất là xuất khẩu, EU dành cho Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan ở mức độ cao nhất từ trước tới nay. Theo đó, 85% dòng thuế hàng hóa từ Việt Nam hưởng mức thuế 0% ngay từ hôm nay. Sau 7 năm, gần như tất cả hàng hóa sẽ được loại bỏ thuế. EU cũng là đối tác mở cửa rộng nhất thị trường mua sắm công của họ cho các nhà thầu cung ứng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Các đơn vị dùng tiền ngân sách của EU hay các nước thành viên EU là nhóm khách hàng cực kỳ lớn, chiếm tới 20 - 30% thị phần nhiều loại hàng hóa, trong đó có những hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, thực phẩm...

Chỉ có điều, trong hiện tại, những lợi ích kinh tế này dường như ở ngoài tầm với. Dịch bệnh hoành hành khiến sức mua của thị trường toàn cầu sụt giảm mạnh và EU không phải là ngoại lệ. Vì thế, EVFTA có hiệu lực - dù giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn về giá (nhờ giảm thuế) nhưng phía cầu đang suy yếu nên lợi ích thu về chẳng đáng là bao.

Nói cách khác, EVFTA chưa thể là liều thuốc giảm đau cho các nhà xuất khẩu Việt Nam vào lúc này. Tuy vậy, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nếu biết cách tận dụng lợi thế, doanh nghiệp Việt Nam có thể sống sót và tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh.

EVFTA có thể không mang tới cơ hội lớn trong tương lai gần nhưng trong dài hạn thì chắc chắn có. Cơn đại chấn Covid-19 khiến các nhà đầu tư thấm thía hơn tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh tập trung vào chỉ một thị trường. Trong cuộc chạy đua thu hút “đại bàng” này, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế hơn so với các nước trong khu vực bởi có trong tay tấm giấy thông hành kết nối với EU và sự bảo đảm về môi trường đầu tư được bảo hộ, vận hành theo chuẩn mực quốc tế từ EVFTA.

Hơn nữa, đại dịch Covid-19 nhất định sẽ đến hồi kết thúc. Tới lúc đó, EVFTA sẽ giúp hàng hóa trong nước có lối đi riêng tại thị trường EU khi có lợi thế cạnh tranh về thuế quan hơn. EU chỉ có trên 400 triệu dân nhưng là khu vực có sức mua lớn thứ 2 thế giới và điều đặc biệt là các đối thủ cung cấp hàng hóa có tính cạnh tranh với Việt Nam tại EU như Trung Quốc đều chưa có hiệp định với nền kinh tế này.

Dù thế nào đi chăng nữa, EVFTA vẫn là một trong những đường thoát ý nghĩa có thể đưa nước ta ra khỏi những sức ép kinh tế nặng nề từ dịch Covid-19. Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có chuẩn bị hành trang đầy đặn và tươm tất để băng qua những chướng ngại vật trên “lối thoát” đó và về đích hay không!

Hà Lan