Cơ hội khơi dậy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế
Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị xác định “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế LÊ TRƯỜNG LƯU khẳng định, Nghị quyết 54 đã mở ra cơ hội khơi dậy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Tạo thế và lực mới
- Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 54-NQ/TW đã tạo ra sự thay đổi trong nhận thức về vị trí, vai trò của giá trị văn hóa, sức mạnh của con người trong phát triển Thừa Thiên Huế ra sao, thưa ông?
- Nghị quyết 54-NQ/TW là kim chỉ nam để tỉnh tập trung nghiên cứu từ quy hoạch để phát triển đô thị di sản, đến tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết chế; xây dựng cơ chế, chính sách; chăm lo phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác… chuyển trọng tâm vào lĩnh vực văn hóa, di sản, tạo động lực phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chúng tôi nhận thức và khẳng định rằng, giá trị văn hóa, sức mạnh con người xứ Huế có vị trí, vai trò quan trọng trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, góp phần làm nên đặc trưng thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa đất nước. Với quan điểm phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, Thừa Thiên Huế xác định việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc con người Huế là một nhiệm vụ trọng tâm, căn bản, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 54, Thừa Thiên Huế đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực, tạo thế và lực mới trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành “đô thị di sản” đặc sắc của khu vực và cả nước. Các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống được tiếp tục bảo tồn và phát huy, góp phần khẳng định vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế.
Việc lãnh đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết được triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; tập trung tuyên truyền đến tận người dân. Qua đó, tạo được sự đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch… Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân chuyển biến tích cực; ý thức và trách nhiệm về giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản, là tài sản vô giá của quốc gia, của Thừa Thiên Huế ngày càng được nâng cao.
Giữ gìn di sản văn hóa nguyên bản, đồng bộ
- Theo Nghị quyết 54, văn hóa là yếu tố trọng tâm trong chiến lược phát triển của Thừa Thiên Huế. Điều này đặt ra yêu cầu đầu tư cho văn hóa như thế nào để tương xứng với tiềm năng, từ đó giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong xã hội đương đại?
- Thừa Thiên Huế tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nhiệm vụ phát triển văn hóa với nhiều chương trình, đề án cụ thể, gắn với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, triển khai và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Nghị quyết để phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp trùng tu, bảo tồn hệ thống di tích trên địa bàn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và di sản một cách nguyên bản, đồng bộ. Ưu tiên nguồn lực tu bổ, phục hồi các di tích, công trình bị xuống cấp nghiêm trọng. Thực hiện quyết liệt dự án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua, trong đó chú trọng huy động và phát huy hiệu quả Quỹ Bảo tồn di sản Huế.
Cùng với sự hội nhập văn hóa xã hội đương đại, Thừa Thiên Huế vẫn luôn nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc riêng của Cố đô. Đó là tập trung xây dựng Huế thành Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài Việt Nam; nâng cao chất lượng dịch vụ Ca Huế; phát huy giá trị phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Triển khai Đề án "Văn hóa Huế - con người Huế: Bảo tồn và phát triển"; thực hiện Dự án “Xây dựng Thành phố Huế văn hoá và Du lịch thông minh”...
Tỉnh cũng chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh đô thị và nông thôn mới gắn với lan tỏa sâu rộng và đi vào thực chất các phong trào để làm cho Huế thêm xanh - sạch - sáng - thông minh.
Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực xây dựng thành công 4 trung tâm
- Với Nghị quyết 54-NQ/TW, Thừa Thiên Huế đã thuận lợi hơn trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương hay chưa?
- Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa Thiên Huế trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Cùng với đó, Nghị quyết 38/2021/QH15 Quốc hội ban hành về các cơ chế, chính sách áp dụng đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản; Nghị quyết 26, 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã quy định một số tiêu chuẩn về đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù như địa phương có di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận, có di tích cấp quốc gia đặc biệt...
Và mới đây, Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 3.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ nhiều nội dung quan trọng, rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc hợp tác, liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ hơn và thuận lợi trong việc huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số hạn chế, khó khăn, nhất là điều hành và quản lý đối với đô thị có tính chất đặc thù như Thừa Thiên Huế. Nhiều vướng mắc do quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với nhiệm vụ bảo tồn di sản, giữ gìn văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái đã tạo nên các rào cản đối với hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Quá trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW đòi hỏi nguồn lực cho đầu tư phát triển rất lớn, trong đó có đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội; đầu tư bảo tồn, trùng tu di sản, di tích, song việc cân đối nguồn lực của địa phương, hỗ trợ từ Trung ương và huy động các nguồn lực khác đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư.
- Để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng văn hóa và sức sáng tạo của con người Huế, thực hiện thắng lợi những mục tiêu trong Nghị quyết 54-NQ/TW, Thừa Thiên Huế có đề xuất gì?
- Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu Nghị quyết 54-NQ/TW đề ra, Thừa Thiên Huế đã xây dựng các chương trình, đề án cụ thể và đang triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều nội dung quan trọng. Trong quá trình thực hiện, tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Đặc biệt, tỉnh đang nỗ lực, tập trung xây dựng 4 trung tâm: Văn hóa - du lịch đặc sắc, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, vì vậy, tỉnh mong muốn Trung ương chọn Thừa Thiên Huế là địa phương “trọng điểm” để tập trung ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để xây dựng thành công 4 trung tâm, làm mô hình điểm nhân rộng cho các địa phương khác trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các địa phương khác trong cả nước.
Năm 2023, tỉnh triển khai nhiều đề án quan trọng, rất mong Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn và hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng, hoàn chỉnh các hồ sơ, nhất là với “Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế” để sớm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 54-NQ/TW đề ra.
- Xin cảm ơn ông!