Phát hành song song sách nói và sách giấy
Dù xuất hiện từ lâu dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chỉ vài năm gần đây, thị trường sách nói tại Việt Nam mới thực sự sôi động, tốc độ phát triển cao. Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 7.2021, có 3 kênh sách nói được cấp phép chính thức, gồm: Voiz FM (thành lập năm 2019), Fonos (2020) và Mydio (2021).
Voiz FM là ứng dụng sách nói có bản quyền với sự đầu tư chuyên nghiệp từ ký kết bản quyền đến giọng đọc, phòng thu. Theo ông Lê Hoàng Thạch, CEO Công ty WeWe, đơn vị sở hữu Voiz FM, 5 - 7 năm trước, nhắc đến sách nói người ta thường chỉ nghĩ đến sách dành cho người khiếm thị. Nhưng vài năm trở lại đây, theo nhịp sống bận rộn cũng như công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, người dùng đã có thói quen sử dụng nhiều hơn nội dung trên không gian số và từ đó sách nói bắt đầu tăng trưởng.
"Từ năm 2019 đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có người dùng tìm kiếm sách nói nhiều hơn sách điện tử (ebook). Xu hướng này rất đặc biệt bởi vì chỉ những quốc gia phát triển ngành xuất bản như Mỹ, Anh hay Đức mới có, cho thấy tiềm năng sách nói ở thị trường Việt Nam rất tốt. So với năm 2020, năm 2021 quy mô tăng trưởng của Voiz FM gấp 10 lần và số lượt tải đã cán mốc một triệu” - ông Lê Hoàng Thạch thông tin.
Fonos, được thành lập năm 2020 bởi Oscar Jesionek và Xuan Nguyen, cũng là một trong những ứng dụng chiếm ưu thế trên thị trường sách nói tại Việt Nam hiện nay. Fonos đã nhanh chóng ký hợp đồng với một loạt công ty sách lớn như Nhã Nam, Alphabooks, Thái Hà Books, Kim Đồng... để chuyển thể nội dung lên nền tảng này. Từ đầu năm 2021 tới nay, doanh thu hàng tháng của Fonos tăng gấp 5 lần và chạm mốc 80.000 người dùng thường xuyên trong tháng 8.2021.
Giám đốc kinh doanh Thái Hà Books Lưu Sỹ Dương nhận xét: Fonos và Voiz FM hiện là hai đơn vị có số đầu sách nói và số lượng phát hành sách tốt trên thị trường Việt Nam. Cả hai đều là những đơn vị tiên phong, chú trọng vào chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp, bài bản và đặc biệt là tôn trọng bản quyền. Nội dung thể loại của sách nói hiện nay khá đa dạng, phong phú (sách văn học nghệ thuật, triết học, lịch sử, tôn giáo, đạo đức, kỹ năng sống, sách dạy làm giàu, dạy nuôi con…). Một số đơn vị còn thể hiện rõ phân khúc thính giả với các tác phẩm kiếm hiệp, dã sử, huyễn tưởng hướng đến người nghe trẻ tuổi; hoặc phân khúc sách bán chạy, sách đại chúng...
Thái Hà Books cũng nhận thấy tiềm năng của thị trường sách nói. Ông Lưu Sỹ Dương cho biết, đến nay, đa số đầu sách bán chạy của Thái Hà Books đã phát hành song song cả sách nói và sách giấy. Các đầu sách mua bản quyền sách nói mới cũng đang rất tích cực để có thể phát hành cùng thời điểm phát hành sách giấy.
Cơ hội cho độc giả hiện đại
Để bắt kịp xu thế của thời đại công nghệ thông tin, ngành xuất bản đã cho ra mắt ebook (sách điện tử) và audiobook (sách nói). Tuy nhiên, sách nói đang được ưa chuộng hơn bởi một số ưu điểm. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể tiếp cận nhiều nội dung thú vị trong khi vừa nấu ăn, lái xe, dọn dẹp... Đây là một giải pháp hữu hiệu với những người bận rộn, hoặc không muốn thị lực bị ảnh hưởng.
Như ông Lê Hoàng Thạch phân tích: "Sách nói nói riêng và loại hình âm thanh nói chung có ưu điểm vượt trội là multitasking (làm việc đa nhiệm). Bản chất của âm thanh là dùng tai, còn mắt và tay có thể làm việc khác. Vì vậy sách nói có thể giúp người ta tận dụng được khoảng thời gian mà nếu không có âm thanh sẽ gọi là thời gian chết".
Đồng quan điểm, ông Lưu Sỹ Dương cho rằng: "Đối với sách nói, đại dịch là bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh, nhu cầu đọc sách rất lớn nhưng việc đến nhà sách mua sách hay đặt mua sách online không dễ. Vì thế, rất nhiều độc giả đã lựa chọn mua sách điện tử hoặc sách nói để vừa có thể được đọc sách vừa góp phần phòng, chống dịch. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố giúp sách nói trở thành món ăn tinh thần được yêu thích, như tính tiện lợi, chất lượng của sách nói, sự phát triển đồng bộ của công nghệ…".
Hiện nay, các nhà xuất bản cũng chú trọng đầu tư để sách nói thu hút độc giả hơn. Các tác phẩm trở nên sinh động qua giọng đọc truyền cảm, kết hợp âm thanh, tiếng động phong phú. Ông Lưu Sỹ Dương thông tin, các đơn vị đang nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất sách nói. Công nghệ càng ngày càng phát triển, giọng đọc AI không ngừng hoàn thiện và rút ngắn dần khoảng cách với giọng đọc thật.
Với thói quen tiêu dùng thay đổi trong thời đại công nghệ, sách nói sẽ tiếp tục phát triển, thậm chí sớm thành "đứa con vàng" của ngành công nghiệp sách, ngay cả khi đại dịch chấm dứt. Ông Lê Hoàng Thạch dự đoán, trong tương lai sách nói có thể được cải tiến ngắn hơn, thị trường sách nói sẽ văn minh hơn, không còn hành vi vi phạm bản quyền.