Cơ hội cho nhà thiết kế trẻ thỏa sức sáng tạo

- Thứ Bảy, 04/12/2021, 15:29 - Chia sẻ
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021 với chủ đề “Đánh thức truyền thống”, diễn ra từ 18.11 - 3.12, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo nói chung, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, từng bước hiện thực hóa cam kết của Hà Nội với UNESCO khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Các sự kiện trong Tuần lễ này là cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ thỏa sức sáng tạo.

Tái sử dụng, tái thiết kế

Tuần lễ quy tụ nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật, như hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô”, tọa đàm “Đậm bản sắc”, chuỗi hoạt động POP - UP mang đến sự kết hợp của ba mô hình thiết kế và thủ công nội địa là Kilomet 109, Sadec District và Collective Sonson; sự kiện “mở xưởng” giới thiệu không gian sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ, nhà hoạt động sáng tạo tiêu biểu…

Thiết kế “N.A.M” của tác giả Vũ Tá Linh (Hà Nội) đạt giải Nhất cuộc thi Designed by Vietnam 2021
Trao giải Nhất cho thiết kế “N.A.M” của tác giả Vũ Tá Linh (Hà Nội)

Tại Lễ trao giải cuộc thi “Designed by Viet Nam” chiều 3.12, giải Nhất đã được trao cho tác phẩm “N.A.M” của nhà thiết kế Vũ Tá Linh (Hà Nội). Tác phẩm kể câu chuyện phục trang, là sự kết hợp các chất liệu sẵn có từ tủ quần áo của Vũ Tá Linh với những mảnh vải cổ và kỹ năng tạo tác chất liệu bằng phương pháp thủ công độc đáo. "Tái sử dụng, tái thiết kế là một cách thức của lối sống bền vững. Vũ Tá Linh đã thuyết phục ban giám khảo bằng sự nhất quán trong cách trình bày với bố cục chặt chẽ từ những bản phác thảo có hơi hướng cường điệu đến mẫu thật, bộ ảnh đến quyển lookbook", Ban tổ chức đánh giá.

Trao giải Nhì cho tác giả có tác phẩm xuất sắc

Tác phẩm giành giải Nhì “Ghế Hoàng hậu” của SMA Studio cũng được Ban tổ chức nhận xét là một minh chứng cho sức mạnh của việc làm chủ tỉ lệ, kiểu dáng và chất liệu, âm và dương, việc khai thác tối đa tính đối xứng của khối vuông, tròn đã tạo ra sự cân đối hoàn hảo và rất nịnh mắt. Kỹ thuật sơn mài chuyển sắc làm cho thiết kế càng thanh thoát mà vẫn phảng phất nét vương giả. Các chi tiết hoàn thiện của “Ghế Hoàng hậu” rất sắc sảo và chau chuốt. Đây là "một thiết kế hoàn chỉnh và có thể đi vào đời sống ngay lập tức”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn khẳng định, chủ đề của Tuần lễ Thiết kế là “Đánh thức truyền thống” cùng kết quả cuộc thi “Designed by Viet Nam” cho thấy giới trẻ không quay lưng với truyền thống. “Vấn đề của chúng ta là chưa làm truyền thống trở nên hấp dẫn, phù hợp với bối cảnh xã hội ngày nay. Cuộc thi giúp chúng ta thấy rằng, khi làm cho truyền thống trở nên sống động hơn sẽ có được những người trẻ tuổi - tương lai của đất nước yêu văn hóa truyền thống, di sản văn hóa dân tộc. Điều này mang đến cho chúng ta nhiều hy vọng, tương lai văn hóa dân tộc luôn luôn được bừng sáng. Tôi nghĩ đó cũng chính là thông điệp quan trọng của cuộc thi lần này”.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cũng cho rằng: “Cuộc thi là cơ hội để các nhà thiết kế trẻ có thể thỏa sức sáng tạo và thể hiện tình yêu với lịch sử, văn hóa, giáo dục nói chung. Hy vọng, thời gian tới, với nền tảng giá trị truyền thống, các nhà thiết kế sẽ có những sản phẩm thương hiệu đặc trưng để góp phần quảng bá, phát triển văn hóa".

Yếu tố truyền thống trong tư duy mới

Ban tổ chức cuộc thi “Designed by Viet Nam” rất bất ngờ bởi sau hơn 1 tháng phát động đã nhận được 183 bài dự thi, gấp 3 lần so với năm 2020, chất lượng khá đồng đều. Theo thành viên Ban tổ chức, kiến trúc sư Lê Việt Hà, người sáng lập Ashui.com, điều ông thực sự bất ngờ là tư duy của các bạn trẻ hiện nay.

"Khi đề cập đến các yếu tố truyền thống, chúng ta thường nghĩ đến việc ít người tham gia cuộc thi và đương nhiên cũng nghĩ rằng người trẻ không biết gì đến truyền thống; trong khi lực lượng thiết kế sáng tạo chính của chúng ta hiện nay chủ yếu là giới trẻ. Họ đã không gặp khó khăn trong việc tìm hiểu giá trị truyền thống, mà trái lại đã khai thác tốt giá trị truyền thống bằng những hình thức thể hiện với tư duy đương đại. Trong tương lai, chúng ta sẽ bắt gặp những sản phẩm hàm chứa giá trị rất cao”, ông Hà nói.

Cuộc thi “Designed by Viet Nam” là cơ hội cho người trẻ thỏa sức sáng tạo

Nhà sáng lập đồng thời là nhà thiết kế của thương hiệu Kilomet109 Vũ Thảo cũng chia sẻ, chất lượng thí sinh của cuộc thi lần này có độ đồng đều cao, các lĩnh vực đa dạng. Ngoài 5 lĩnh vực chính như thiết kế nội thất, thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế công cộng và thiết kế sản phẩm, còn có nhiều tác phẩm khá giao thoa. Các thí sinh đều khai thác hiệu quả các yếu tố biểu tượng có liên quan đến truyền thống văn hóa bản địa; đặc biệt, đã có sự xuất hiện của công nghệ.

Cụ thể, cuộc thi có 4 tác phẩm sử dụng công nghệ để tối ưu hóa việc trình bày ý tưởng thiết kế. Có thí sinh sử dụng phần mềm 3D hỗ trợ thiết kế thời trang cũng như trình bày các bài thời trang, điều này tăng tính kết nối của thiết kế rất cao. Ngoài ra, còn thể hiện được tinh thần thời đại vì chúng ta đang dịch chuyển sang nền tảng số ở mọi lĩnh vực. 

Đánh giá về ý nghĩa cuộc thi, bà Thảo cho biết: "Chúng tôi cố gắng khuyến khích giới trẻ quay lại những giá trị nội tại, những truyền thống văn hóa, những nghề chế tác thủ công của Việt Nam và muốn nó có tinh thần, không khí của thời đại hơn. Các thí sinh đã khá nhuần nhuyễn khi sử dụng các yếu tố truyền thống trong tinh thần rất mới, nhất là thời điểm đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp. Đây cũng là lý do để Ban tổ chức, khán giả và cộng đồng, trong đó có cộng đồng thiết kế, cộng đồng sáng tạo, cộng đồng nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo hơn nữa".

Hương Sen