Cơ hội cho liên minh khí hậu xuyên Đại Tây Dương

- Thứ Hai, 07/06/2021, 05:43 - Chia sẻ
Chưa bao giờ các mục tiêu, nhu cầu và thách thức về khí hậu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại liên kết chặt chẽ với nhau như vậy. Khi ông Joe Biden tiến hành chuyến công du châu Âu lần đầu tiên với tư cách Tổng thống Mỹ trong những ngày tới, có nhiều lý do để hy vọng vào một thỏa thuận xanh xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Pháp Macron tham dự Hội nghị Các nhà lãnh đạo về khí hậu, do Mỹ tổ chức theo hình thức trực tuyến hồi cuối tháng 4
Nguồn: AFP

Mục tiêu chung

Thứ nhất, cả Liên minh châu Âu và Mỹ hiện đều cam kết hướng tới mục tiêu trung hòa về khí hậu vào năm 2050. Cả hai siêu cường đã thiết lập các cột mốc tương tự trong suốt chặng đường: đến năm 2030, EU dự định cắt giảm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) so với mức năm 1990, trong khi Mỹ dự định cắt giảm 50 - 52% so với mức năm 2005.

Để thực hiện những cam kết này, EU và Mỹ sẽ phải vượt qua nhiều thách thức tương tự nhau. Họ phải mở rộng quy mô triển khai các công nghệ sạch hiện có (bao gồm sử dụng pin mặt trời, hệ thống turbin gió và xe điện); thúc đẩy đổi mới trong các ngành công nghệ mới nổi (chẳng hạn như hydro xanh, pin thể rắn). Trước những nhiệm vụ này, mối quan hệ hợp tác trong một chặng đường dài sẽ giúp cả hai đẩy nhanh tiến độ đạt được mục tiêu của mỗi bên.

Thiết lập thị trường giao dịch carbon

Thứ hai, EU và Mỹ có thể tận dụng tốt hơn hoạt động định giá carbon, điều mà châu Âu cho thấy họ đang làm rất tốt với một thị trường carbon lớn nhất thế giới luôn được nâng cấp, mở rộng. EU triển khai Sàn giao dịch phát thải (ETS) từ năm 2005 để đáp ứng cam kết trong Nghị định thư Kyoto nhằm đạt mục tiêu tới năm 2020 cắt giảm khí thải xuống 20% so với mức năm 1990. Theo đó, các chính phủ đã đặt ra giới hạn về tổng lượng phát thải cho phép trong khoảng thời gian nhất định và cấp các loại giấy phép phát thải mua bán CO2. Hệ thống ETS lập ra để bao quát một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất. Các công ty được phép phát thải một lượng ban đầu miễn phí theo giấy phép, nhưng phải mua thêm nếu lượng khí thải vượt quá mức này.

Trước đây, người ta thường cho rằng các thị trường carbon phải đạt được mức giá giao dịch cao mới có thể giúp giảm lượng khí thải. Tuy vậy, nghiên cứu của ĐH Strathclyde (Anh) và ĐH Pittsburgh (Mỹ) phát hiện trong giai đoạn 2008 - 2016, Sàn giao dịch phát thải của EU tiết kiệm được khoảng 1,2 tỷ tấn CO2 - gần một nửa những gì các chính phủ cam kết cắt giảm trong Nghị định thư Kyoto.

Trong khi đó, Mỹ hiện không có hệ thống định giá carbon trên toàn quốc. Chính phủ nước này đang nỗ lực huy động các nguồn lực và quyết tâm chính trị để xây dựng một hệ thống tương tự của EU. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công bằng và độ bền chính trị của bất kỳ hệ thống định giá carbon nào, sẽ đòi hỏi biện pháp giải quyết các tác động phân phối, trong đó, việc trả lại doanh thu cho công chúng với ý nghĩa như cổ tức carbon sẽ là yếu tố mang tính sống còn.

Bài toán trong quá trình chuyển đổi xanh

Thứ ba, cả EU và Mỹ sẽ phải giải quyết những gián đoạn kinh tế - xã hội phát sinh trong quá trình chuyển đổi xanh. Điều này có nghĩa là tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp ở các vùng sử dụng nhiều carbon và hỗ trợ người lao động buộc phải thay đổi công việc. Việc làm và cơ hội kinh tế là trọng tâm của các chiến lược khí hậu ở cả Mỹ - “khi mọi người nói về khí hậu, thì tôi nghĩ đến vấn đề việc làm” như Tổng thống Biden gần đây tuyên bố - và châu Âu khi Chủ tịch EC nói về chiến lược công nghiệp xanh.

EU và Mỹ cũng có thể liên kết, hợp tác trong thực thi các sứ mệnh khí hậu quốc tế mà họ được giao phó. Nỗ lực trong chuyển đổi xanh của riêng Mỹ hay châu Âu sẽ trở nên vô nghĩa nếu họ không hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở các nước đang phát triển. Để đạt mục tiêu này, EU và Mỹ cần huy động tài chính khí hậu và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ sạch cho các quốc gia cần hỗ trợ. Hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở các nước đang phát triển còn là chặng đường dài hướng tới ngăn chặn nguy cơ “rò rỉ carbon” khi các công ty ở các nước phát triển tìm cách chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có mức thuế carbon thấp hơn hoặc các quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn. Bên cạnh đó, EU và Mỹ cũng cần tính tới các giải pháp trực tiếp hơn, chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, theo đó các công ty phải trả giá cao hơn để nhập khẩu hàng hóa mà việc sản xuất đòi hỏi lượng phát thải khí nhà kính cao hơn.

Hướng tới “câu lạc bộ khí hậu”

EU đã và đang làm việc trên cơ chế như một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu. Đây rõ ràng là bước đi tích cực. Nhưng một cơ chế chung giữa Mỹ và EU sẽ còn mang lại những tác động lớn hơn rất nhiều, đặc biệt nếu đó là một phần của Thỏa thuận xanh xuyên Đại Tây Dương rộng lớn hơn.

Trên thực tế, EU và Mỹ nên tạo ra một “câu lạc bộ khí hậu”, như nhà kinh tế đoạt giải Nobel William Nordhaus đã đề xuất năm 2015. Để tham gia câu lạc bộ này, các nền kinh tế sẽ phải trải qua 4 bước: Củng cố và gắn kết các mục tiêu trong nước; đồng ý với một hệ thống để lượng hóa và so sánh các chính sách khí hậu trong nước; thiết lập tiêu chuẩn để đo hàm lượng carbon của hàng hóa phức tạp; và cuối cùng là bảo đảm hệ thống các quy định và thuế thực sự minh bạch.

Bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia “câu lạc bộ khí hậu” đều được hoan nghênh. Điều này sẽ giúp thúc đẩy một lợi ích chung khác giữa EU và Mỹ: Thiết lập luật chơi trong các lĩnh vực và thị trường mới nổi, chẳng hạn như hydro xanh và tài chính bền vững.

Thị trường cần các quy tắc được chấp nhận rộng rãi để tăng trưởng và phát triển, và những cường quốc giúp đưa ra các quy tắc đó sẽ có lợi thế chiến lược đáng kể. Không quốc gia nào phù hợp với vai trò này hơn Mỹ và châu Âu, vốn chiếm 40% GDP toàn cầu và 30% lượng hàng hóa nhập khẩu của thế giới.

Các quốc gia còn lại chắc chắn sẽ không bỏ qua những gì xảy ra ở Mỹ hoặc châu Âu. Nếu họ cùng hành động - dù là thông qua cơ chế phân loại tài chính bền vững chung hay đưa ra cơ chế điều chỉnh biên giới khí hậu chung - thì những quốc gia khác chắc chắn sẽ “đi theo”. Điều đó không chỉ thúc đẩy hành động chung vì khí hậu trên toàn thế giới, mà còn giúp củng cố vị trí lãnh đạo toàn cầu của EU và Mỹ, từ đó củng cố hệ thống đa phương rộng mở, dựa trên luật lệ mà họ ủng hộ.

Cùng với các giá trị và nguyên tắc mà EU và Mỹ chia sẻ - bao gồm tôn trọng nhân quyền và pháp quyền - hợp tác trong lĩnh vực khí hậu sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn cả lợi ích của riêng hai bên. Chuyến công du châu Âu sắp tới của Tổng thống Mỹ Biden có thể là cơ hội lý tưởng để bắt đầu.

Đạt Quốc (Theo PS)