Ngày đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Cơ hội chia đều

- Thứ Bảy, 07/11/2020, 08:39 - Chia sẻ
“Đã có 102 đại biểu Quốc hội đăng ký chờ chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết như vậy trước khi bắt đầu nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp sáng qua. Đây là con số khá lớn, một lần nữa cho thấy sự quan tâm cũng như tính hấp dẫn của hoạt động chất vấn - một trong những hình thức giám sát hiệu quả, chất lượng, luôn thu hút sự theo dõi, mong đợi từ cử tri và nhân dân ở mỗi kỳ họp Quốc hội.

Hỏi ngắn - đáp gọn

Là hoạt động chất vấn theo thông lệ tại mỗi kỳ họp, nhưng tính chất đặc biệt của lần chất vấn này ở chỗ, đây là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV với mục đích chính là đánh giá một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ này, Quốc hội tiến hành xem xét toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (lần thứ nhất được tiến hành vào kỳ họp giữa nhiệm kỳ - Kỳ họp thứ Sáu). Với tính chất như vậy, cách thức tiến hành chất vấn lần này cũng không theo nhóm vấn đề như các kỳ họp trước, mà Quốc hội xem xét việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao liên quan tới 20 lĩnh vực được nêu trong 6 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 6 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV; cùng một nghị quyết về giám sát chuyên đề, 2 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIII.

Một khối lượng công việc khá “đồ sộ” được gói gọn trong hai ngày rưỡi diễn ra phiên chất vấn!

Cũng với thời gian như các lần chất vấn trước, nhưng khối lượng công việc lớn hơn nhiều và trải rộng tới 20 lĩnh vực với sự tham gia của tất cả các thành viên Chính phủ cùng Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nên tâm trạng lo lắng về tính tập trung cũng như hiệu quả của phiên chất vấn là khó tránh khỏi.

Đại biểu Quốc hội Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) chất vấn tại hội trường  

Ảnh: Minh Thành 

Tuy nhiên, điều lo lắng đó đã không xảy ra. Ngay từ những chất vấn đầu tiên, nhịp độ phiên chất vấn đã được đẩy khá nhanh. Yêu cầu của Chủ tọa điều hành đưa ra trước khi bắt đầu phiên chất vấn được thực hiện nghiêm. Đại biểu Quốc hội hỏi ngắn (không quá một phút) - Bộ trưởng, trưởng ngành đáp gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề đại biểu nêu (không quá 3 phút). Thời gian tranh luận 2 phút của mỗi đại biểu và mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần cơ bản được tuân thủ.

Và, một trong những phần “hỏi ngắn - đáp gọn” như vậy, đó là chất vấn của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng:

- Công nghệ 5G đang được phát triển rất nhiều trên thế giới. Trung Quốc hiện nay có 100 triệu thuê bao. Tuy nhiên, tổng chi phí đầu tư của Trung Quốc là 200 tỷ USD trong 5 năm. Xin hỏi Bộ trưởng, việc triển khai 5G của chúng ta như hiện nay có chậm trễ không?...

- “Chúng ta làm 5G không chậm”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chắc nịch. Bằng chứng là: Năm 2019 chúng ta đã thử nghiệm kỹ thuật. Năm 2020 khi Liên minh Viễn thông thế giới công bố chuẩn, chúng ta cho tiến hành thử nghiệm thương mại, tức là bắt đầu kinh doanh có thu phí. Năm 2021, chúng ta sẽ triển khai diện rộng...

Cá biệt, với những trả lời “lệch” trọng tâm, ngay lập tức có sự “vào cuộc” của Chủ tọa điều hành: “Bộ trưởng đang nói về giải pháp và xử lý, nhưng câu hỏi của đại biểu là nguyên nhân nào mà độ che phủ rừng của chúng ta thấp hơn, chất lượng rừng chúng ta kém hơn. Ví dụ, do lực lượng kiểm lâm mỏng quá hay chúng ta trồng rừng không kịp tốc độ phá rừng. Bộ trưởng nói về nguyên nhân, còn giải pháp thì trong thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng đã nói rất nhiều. Trả lời thẳng vào câu hỏi vì sao mà che phủ rừng của chúng ta thấp hơn các nước xung quanh”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kịp thời “chấn chỉnh” khi nhận thấy trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường “xa rời” câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng).

Với cách thức khoa học, chặt chẽ, công tâm và khách quan như vậy, nhiều vấn đề nóng bỏng của thực tiễn cuộc sống được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự, chất vấn thẳng các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành. Đó là giải pháp căn cơ nào để phòng, chống dịch Covid-19 lây nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới và tiến độ nghiên cứu vaccine Covid-19 như thế nào; vụ việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng có đúng với thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục đại học hay không? - chất vấn của các ĐBQH Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Thanh Vân (Cà Mau) với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. “Phó Thủ tướng cho biết thực chất nguyên nhân của lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung là gì, là thiên tai hay là do nhân tai? Giải pháp của Chính phủ như thế nào để bảo đảm sự an toàn của nhân dân” - ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn tại hội trường  

Ảnh: Quang Khánh 

Linh hoạt, dân chủ, công bằng

Không dừng ở lời hứa, hay cam kết trên nghị trường, mà đã có chuyển động từ thực tế. “Kỷ lục” này thuộc về “tư lệnh” ngành nội vụ. Nêu vướng mắc tại Khoản 7 Điều 2 Thông tư số 12 của Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn, khen thưởng đối với tập thể có tổ chức đảng và đoàn thể, trong đó quy định: "Tổ chức đảng và đoàn thể phải được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Làm thế nào để công tác thi đua, khen thưởng thật sự là động lực khích lệ các tổ chức phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ? Thừa nhận “trong Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật đều không quy định nội dung này”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Thời gian qua, khi phát hiện vấn đề này, Bộ trưởng đã chỉ đạo sửa đổi và “tối hôm qua (5.11 - PV), tôi đã ký thông tư sửa đổi, bổ sung, trong đó bỏ điều này và có hiệu lực ngay ngày hôm nay”. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng là một trong không nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành nhận trách nhiệm trong ngày đầu tiên diễn ra phiên chất vấn. “Trước tiên, với tư cách cá nhân Bộ trưởng Bộ Nội vụ, tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo Nghị quyết 56 của Quốc hội”, Bộ trưởng trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) về nguyên nhân và trách nhiệm của việc chậm ban hành văn bản theo Nghị quyết 56 của Quốc hội để làm cơ sở cho việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.  

Đặc biệt, nhiều nội dung được đại biểu nêu trong ba ngày thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội trước đó tiếp tục được đại biểu chất vấn các thành viên Chính phủ, tranh luận với Bộ trưởng với tầm bao quát toàn diện hơn, đi vào gốc rễ và đến cùng vấn đề. Đó là chất lượng rừng tự nhiên của nước ta như thế nào; cái lợi và hại của các dự án thủy điện cũng như mối quan hệ với các vụ sạt, lở đất, vừa cướp đi nhiều tài sản và sinh mạng của người dân các tỉnh miền Trung; kinh phí để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn sách giáo khoa là bao nhiêu…

Và nếu như một số Bộ trưởng, trưởng ngành có phần “quanh co”, hoặc “đổ lỗi” cho nguyên nhân khách quan, thì ngay sau đó, trả lời của Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đã “bọc lót”, bổ sung và hoàn thiện. Một trong số đó là phần trả lời của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trước chất vấn của đại biểu về chủ đề thời sự nhất hiện nay: lũ lụt, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung.

Có thể phần trả lời của Phó Thủ tướng chưa làm hài lòng tất cả đại biểu cũng như cử tri, nhưng tinh thần cầu thị, không né tránh thì có thể cảm nhận rõ. “Nguyên nhân chính của sạt lở đất trong đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua, các Bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời. Tôi quan tâm hơn đến những nguyên nhân chủ quan do con người gây ra mà rất nhiều đại biểu đề cập”, Phó Thủ tướng trực diện. Và, trong khi ngay tại nghị trường thì ý kiến về nguyên nhân sâu xa dẫn tới lũ lụt, sạt lở đất còn chưa “ngã ngũ”, thì Phó Thủ tướng “thống kê nhanh” 5 nguyên nhân chủ quan từ phía… con người. Đó là “tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, làm nương, làm rẫy, phát triển sản xuất vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt tình trạng phá rừng để lấy gỗ còn xảy ra ở nhiều nơi như báo chí đưa tin và có nhiều vụ phải đưa ra pháp luật. Việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa được thực hiện nghiêm. Từ đó đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi có mưa lũ xảy ra”. Đó là “việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện nếu không được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, quản lý quá trình đầu tư xây dựng và khai thác, vận hành sẽ có tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn của hạ du. Vấn đề này chúng ta thấy rất rõ...”.

Kết thúc ngày chất vấn đầu tiên, đã có 2 Phó Thủ tướng và 15 Bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có số lần trả lời nhiều nhất, với 5 lần đăng đàn. Bộ trưởng các Bộ Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp… có 4 lần đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu. Có 8 đại biểu đã nêu câu hỏi chất vấn, chờ trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành khi bắt đầu ngày chất vấn thứ hai tới đây (ngày 9.11).

Qua phần hỏi và trả lời của đại biểu và các bộ trưởng, trưởng ngành, có lẽ không quá khó để cảm nhận: “Luật chơi” được tuân thủ nghiêm. Chủ tọa điều hành linh hoạt, dân chủ. Đặc biệt, yếu tố công bằng được chú trọng, nhằm bảo đảm quyền chất vấn của các đại biểu và trách nhiệm trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành. Với cách thức như vậy, có cơ sở để chờ đợi nhiều hơn ở sức hấp dẫn và tính thuyết phục trong một ngày rưỡi tới đây từ hoạt động chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Khóa XIV.  

Và, cơ hội vẫn chia đều cho cả người hỏi và người trả lời!

Lam Giang