Cơ hội cải cách thể chế toàn diện và mạnh mẽ đã có.<br> Quyết tâm của chúng ta?

- Thứ Năm, 03/10/2013, 08:09 - Chia sẻ
Đã 3 năm kể từ khi được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược và QH, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng đến thời điểm này, cải cách thể chế vẫn mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu. Sẽ là không thực tế nếu đòi hỏi sau một khoảng thời gian ngắn, cải cách thể chế đã phải đạt được ngay những thay đổi căn bản. Song, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2013 vừa qua, các đại biểu cũng lưu ý rằng, với sức ép từ tình hình KT-XH và việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các đạo luật về kinh tế, tổ chức bộ máy và quản lý xã hội, giai đoạn từ nay đến năm 2016 mở ra cơ hội lớn để tiến hành cải cách thể chế một cách toàn diện và mạnh mẽ. Cơ hội này, nhất thiết không thể bỏ lỡ!

Từ thông điệp mạnh mẽ về cải cách thể chế kinh tế

Gần 3 thập kỷ Đổi mới vừa qua cho thấy, cải cách thể chế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý bằng pháp luật luôn là những định hướng lớn được khẳng định nhiều lần trong các văn kiện chính trị của Đảng. Và gần đây nhất, năm 2011, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính đã được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định là một trong ba đột phá chiến lược.

Tiếp đó, Chương trình lập pháp của QH Khóa XIII cũng thể hiện rõ ưu tiên và quyết tâm thực hiện cải cách thể chế, trong đó, nhiệm vụ quan trọng bậc nhất được QH Khóa XIII triển khai thực hiện là sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi một loạt các luật về tổ chức bộ máy nhà nước như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND... xây dựng nhiều đạo luật liên quan đến các lĩnh vực quản trị nhà nước khác. Từ năm 2011 đến năm 2013, QH cũng đã thông qua 35 đạo luật, trong đó có rất nhiều đạo luật liên quan đến việc hoàn thiện thể chế kinh tế.

Trong hoạt động điều hành của Chính phủ, từ Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đến Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 được Thủ tướng phê duyệt đầu năm nay đều nhấn mạnh mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Có thể nói, chưa bao giờ, thông điệp về cải cách thể chế của Đảng và Nhà nướác ta lại được đưa ra một cách dày đặc và mạnh mẽ như 3 năm vừa qua. 

Dẫu vậy, những kết quả đạt được đến nay vẫn còn khá hạn chế. Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Bùi Văn Thạch, chúng ta chưa có những đổi mới về tư duy, quan điểm phát triển trong xây dựng và triển khai thực hiện cả ba đột phá chiến lược. Đặc biệt, việc thực hiện đột phá chiến lược về cải cách thể chế kinh tế tuy đã có nhiều cố gắng nhưng về cơ bản vẫn nằm trong khung tư duy và quan điểm hiện nay, nên việc ban hành các văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành mới chỉ có tác dụng bổ sung làm cho hệ thống pháp luật đồng bộ hơn chứ chưa có đột phá đáng kể nào. Những căn bệnh cũ của hành chính nhà nước vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản đã và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, gây cản trở mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả. Ông Thạch cũng nhấn mạnh rằng, những yếu kém kéo dài này gắn liền với tệ lãng phí, tham nhũng là một trong những nguyên nhân làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước.

... đến tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng – một trong hai trọng tâm của cải cách thể chế mới chỉ đạt được một số kết quả khá hạn chế

Một trong hai trọng tâm của cải cách thể chế được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI xác định rõ là: tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Nhưng đến thời điểm này thì, sự phân biệt đối xử vẫn tồn tại một cách dai dẳng và khó xóa bỏ ở nhiều cấp độ. Nhận định này đã nhận được sự chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế khi cho rằng, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn rất đa dạng, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, vận tải, sữa nhập khẩu, dược phẩm... Trong đó, tình trạng độc quyền và hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước so với doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác vẫn chưa có nhiều thay đổi căn bản trong 3 năm qua cũng được nhiều ý kiến nhấn mạnh như một lực cản đối với việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Từ góc độ thể chế kinh tế, nhiều ý kiến phân tích, tình trạng này có nguyên nhân sâu xa từ chế độ sở hữu phân tán, không rạch ròi chủ sở hữu về tài nguyên công cộng, phần vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Mặc dù các doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo Nghị định 25/2010/NĐ-CP nhưng vẫn thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước đại diện. Tuy nhiên, chức năng đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước hiện nay được thực hiện bởi rất nhiều cơ quan, hợp thành hệ thống theo chiều dọc (từ Trung ương đến địa phương) và hệ thống theo chiều ngang (gồm nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ). Một thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2011, chỉ tính riêng 1.309 doanh nghiệp nhà nước có 100% vốn nhà nước đã có tới 101 đầu mối vừa là đại diện chủ sở hữu nhà nước, vừa thực hiện chức năng quản lý, giám sát. Quyền đại diện sở hữu, thẩm quyền quản lý nhà nước và chức năng quản lý, điều hành kinh doanh vẫn bị trộn lẫn dẫn đến một hệ quả là: doanh nghiệp nhà nước được hưởng khá nhiều đặc quyền trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực kinh tế quan trọng như: đất đai, tài nguyên, vốn... Trong khi đó, với vị thế độc quyền trong nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp nhà nước ít phải đối diện với các quy luật cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường như doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác. Hệ lụy tất yếu là doanh nghiệp nhà nước - lẽ ra phải tận dụng tối đa các lợi thế được trao, phải hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh mẽ để thực hiện được chức năng là lực lượng vật chất giúp Nhà nước điều tiết và khắc phục các khuyết tật của thị trường thì thời gian gần đây, những hạn chế, yếu kém của khu vực này đã bộc lộ ngày càng gay gắt, để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và làm suy giảm lòng tin của nhân dân. 

Không phải đến bây giờ, những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước mới được đưa ra phân tích nhằm kiếm tìm những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này. Tuy nhiên, những động thái cải cách về mặt thể chế đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước đến nay vẫn còn khá dè dặt và chưa có những cải cách mang tính đột phá.

Một trong những động thái quan trọng nhất được ghi nhận gần đây là Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 2 năm nay đã xác định trọng tâm của tái cơ cấu doanh nghiệp là tái cơ cấu các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất tạo cơ sở cho đổi mới thể chế kinh tế, đáp ứng những yêu cầu của quá trình tái cơ cấu kinh tế được Đề án xác định là: phải tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các yếu tố sản xuất, nhất là vốn và nguồn nhân lực lao động theo tín hiệu của thị trường. Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện Đề án này chưa thực sự khẩn trương. Gần 1 năm đã trôi qua, việc phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường vẫn chưa có nhiều thay đổi, các biện pháp can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào thị trường vẫn được thực hiện; các thể chế tạo thêm sức ép và đòn bẩy để doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo... Vì  vậy, chưa thể tạo được động lực và áp lực buộc các doanh nghiệp nhà nước, người quản lý doanh nghiệp nhà nước phải tính toán, cân nhắc, phải thay đổi tư duy để nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, vì thế cũng vẫn chưa thể đạt được.

... và cơ hội tiến hành cải cách thể chế kinh tế toàn diện và mạnh mẽ

Với sức ép từ tình hình KT-XH hiện nay và việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hàng trăm đạo luật liên quan đến kinh tế, tổ chức bộ máy và quản lý xã hội, giai đoạn từ nay đến năm 2016 được các chuyên gia kinh tế ghi nhận là cơ hội lớn để tiến hành cải cách thể chế một cách toàn diện và mạnh mẽ. Cơ hội này, nhất thiết không thể bỏ lỡ!

Theo đó, về thể chế kinh tế, các chuyên gia cho rằng, ưu tiên quan trọng bậc nhất là xây dựng một chế độ sở hữu rõ ràng, làm rõ quyền đại diện sở hữu toàn dân của Nhà nước; các quyền sở hữu tư nhân cần phải được pháp luật bảo vệ một cách hiệu quả. Giáo sư Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh, sở hữu toàn dân là cần thiết nhưng sau đó, tất cả các tài sản thuộc sở hữu toàn dân lại giao về cơ quan quản lý, thậm chí là giao cho người đứng đầu các địa phương, bộ, ngành, với nhiều quy định còn mơ hồ và thiếu trách nhiệm giải trình thì trên thực tế đã biến của chung thành của riêng với tư duy nhiệm kỳ khá phổ biến. Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh, các tập đoàn kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các nguồn tài nguyên quốc gia (từ hầm mỏ, khai khoáng, đất đai, bờ biển, mua sắm công cho đến đấu thầu đăng ký xuất khẩu...), những độc quyền kinh tế (phân phối xăng dầu, điện lực...) trên thực tế là những người có ưu thế kiểm soát các nguồn tài nguyên kinh tế. Để bảo đảm công bằng và sự cạnh tranh bình đẳng, quá trình này cần phải được minh bạch hóa, bị kiểm soát bởi một hệ thống pháp luật rõ ràng, mạch lạc, phải chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan đại diện cho người dân và sự giám sát của chính người dân.

Mặt khác, cần khắc phục tình trạng phân tán và cát cứ trong thực hiện quyền sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, cần thiết phải thành lập các cơ quan nhận sự ủy nhiệm của Trung ương hoặc chính quyền địa phương để thực thi một cách tập trung các quyền sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời với việc trao quyền quản lý tập trung, cần siết chặt kỷ luật minh bạch và công khai đối với quản trị doanh nghiệp nhà nước. Chấm dứt tình trạng phân tán quyền quản lý các nguồn lực kinh tế giữa 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tập đoàn kinh tế, nâng cao năng lực quy hoạch và điều tiết của Chính phủ, hạn chế thấp nhất sự lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển cho đất nước. Xác định rõ giới hạn điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế theo nguyên tắc: Nhà nước có thể can thiệp trực tiếp bằng các luật lệ và công cụ thông qua chính sách điều tiết hoặc các chính sách thuế; Nhà nước khuyến khích và tôn trọng tự do cạnh tranh, coi đó là sức ép tự điều tiết tốt nhất của nền kinh tế và chỉ can thiệp khi thị trường thất bại nhằm phân bổ phúc lợi.

Nền tảng để thực hiện các cải cách thể chế kinh tế nói trên, theo ghi nhận của các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2013 là đã được nêu khá rõ trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ: phải tiếp tục đổi mới tư duy, phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, tạo động lực khuyến khích chuyển dịch, phân bổ và sử dụng các yếu tố sản xuất, nhất là vốn và nguồn nhân lực lao động theo tín hiệu của thị trường...

Như vậy, định hướng đã có! Vấn đề còn lại, có lẽ chỉ là trả lời câu hỏi: chúng ta quyết tâm cải cách đến mức độ nào? – mà thôi!

Bạch Long