Xử lý tấm thu năng lượng mặt trời

Cơ hội biến rác thành tiền

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 11:00 - Chia sẻ
Sự phát triển nhanh chóng của các nhà máy điện mặt trời đang gây không ít lo ngại về việc các tấm thu năng lượng mặt trời khi hết vòng đời sử dụng có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã khẳng định với công nghệ hiện nay đã có thể tái chế hầu hết thành phần tạo nên tấm thu năng lượng mặt trời.

Tấm thu năng lượng mặt trời hết hạn có thể tái chế

Theo Bộ Công thương, đầu tư điện mặt trời tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đã lên đến khoảng 18.000 MW. Như vậy, công suất điện mặt trời hiện tại đã vượt khá xa quy hoạch tổng sơ đồ điện VII. Và hiện lượng điện mặt trời phát lên lưới điện tăng cao, nhiều dự án điện mặt trời cũng đang được đầu tư. Với các tấm thu năng lượng mặt trời với tuổi thọ trung bình từ 20 -25 năm, câu hỏi được đặt ra là phải làm gì để xử lý một số lượng lớn pin năng lượng mặt trời sau khi các tấm thu năng lượng hết vòng đời sử dụng? 

Tấm thu năng lượng mặt trời, hay pin quang điện bao gồm nhiều tế bào quang điện, chủ yếu được chế tạo từ silic dạng tinh thể (đơn tinh thể, đa tinh thể) hoặc màng silic mỏng. Sau đó, tế bào quang điện được ghép lại thành một khối để trở thành pin năng lượng mặt trời, thông thường là 60 hoặc 72 tế bào. Những vật liệu chính được sử dụng làm pin năng lượng mặt trời bao gồm: Khung nhôm, kính cường lực, lớp phim EVA mỏng giúp liên kết vững chắc giữa các tế bào quang điện và lớp kính cường lực nhằm bảo vệ và chống va đập. Tiếp đến là các lớp tết bào quang điện là yếu tố chính của pin năng lượng mặt trời. Lớp mặt lưng bảo vệ mặt dưới của tế bào quang điện và hộp nối điện vỏ polymer chịu nhiệt, thời tiết tốt, bên trong các đầu nối thường làm bằng đồng thau phủ bạc hoặc thiếc. 

Thế giới có đầy đủ công nghệ tái chế, xử lý các tấm thu năng lượng mặt trời hết vòng đời sử dụng 

Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho biết, hiện nay có hai loại thu năng lượng mặt trời, một loại màng mỏng và một loại sản xuất từ tinh thể silic. Với loại tấm thu năng lượng mặt trời màng mỏng hiện nay trên thế giới mới chỉ thử nghiệm sử dụng ở một số quốc gia với số lượng không nhiều. Còn với tấm thu năng lượng mặt trời silicon chúng ta đang dùng hiện nay có thành phần cấu tạo chủ yếu từ thủy tinh, nhôm, nhựa và silicon thì có thể thu hồi và tái chế, không hề nguy hại như là một số quan ngại trước đây đã nêu ra. 

Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, GS.TS. Bùi Thị An cũng cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia với định hướng phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo, giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch. Vì vậy việc phát triển điện mặt trời là xu hướng tất yếu. Và với công nghệ hiện nay, các tấm thu năng lượng mặt trời sau khi hết vòng đời sử dụng hoàn toàn có thể xử lý, tái chế, vì vậy không nên quá lo lắng mà không tiếp tục phát triển năng lượng mặt trời. 

Cơ hội biến rác thành tiền

Hiện nay, đã có nhiều nhà máy xử lý các tấm thu năng lượng mặt trời cũ với tỷ lệ tái chế rất cao. Nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu các công nghệ để việc tái chế tấm thu năng lượng mặt trời ngày càng hiệu quả, chi phí thấp, rút ngắn thời gian tái chế… Chẳng hạn như, tại Hàn Quốc, năm 2017 Bộ thương mại, công nghiệp và năng lượng đã thành lập một cơ sở tái chế chất thải mô đun PV ở phía bắc tỉnh Chung cheong; Mỹ và Malaysia cũng đã thành lập các nhà máy First Solar tái chế tấm thu năng lượng mặt trời; Tại Pháp, năm 2018, Tập đoàn xử lý nước thải và chất thải Veolia đã mở nhà máy tái chế tấm thu năng lượng mặt trời tại Rousset. Đây là nhà máy tái chế tấm thu mặt trời đầu tiên của châu Âu. Nhà máy đã ký hợp đồng với tổ chức tái chế ngành năng lượng mặt trời PV Cycle France để tái chế 1.300 tấn tấm thu năng lượng mặt trời vào năm 2018 và dự kiến tái chế lên tới 4.000 tấn vào năm 2022...

Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân

Ông Nguyễn Quang Huân cho biết, trường Đại học Bách Khoa đang nghiên cứu các phương án tái chế tấm thu năng lượng mặt trời và đã thành công xây dựng được mô hình thí nghiệm "nhà máy tái chế" có thể xử lý, tái chế các tấm thu năng lượng mặt trời với tỷ lệ tái chế lên đến 97%. "Hiện các tấm thu năng lượng mặt trời mới chỉ được lắp đặt nên đến thời điểm các tấm thu năng lượng hết tuổi thọ thì cần 20-25 năm nữa và khi đó thì chắc chắn trên thế giới cũng như Việt Nam đã có rất nhiều nhà máy có khả năng tái chế loại tấm thu năng lượng này. Khi chúng ta đã tái chế được các tấm thu năng lượng mặt trời, thì các tấm thu hết tuổi thọ sẽ là nguyên liệu đầu vào có giá trị cao mà không phải “chỉ có vứt đi, không thể tái chế” và lĩnh vực tái chế thu năng lượng mặt trời sẽ bùng nổ vô cùng mạnh mẽ", ông Huân nói.

GS.TS. Bùi Thị An cho rằng, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm thu năng lượng mặt trời. Nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp tái chế tấm thu năng lượng mặt trời trong tương lai.

“Càng ngày công nghệ sẽ càng hiện đại, 20 năm trước có lẽ chúng ta không thể tin rằng có một nền công nghiệp sản xuất điện mặt trời như hiện nay. Chính vì thế, nhờ có định hướng của Chính phủ và sự phát triển của khoa học cả trong nước và trên thế giới thì 20 năm sau, tôi tin chúng ta có thể đạt thành tựu lớn hơn nữa trong lĩnh vực điện mặt trời, trong đó có việc khắc phục được những nhược điểm của điện mặt trời như hiện nay”, Chủ Tịch HĐQT Công Ty CP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Xuân Tùng