Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định: sự ghi danh di sản phở Hà Nội là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng người yêu thích ẩm thực. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản, lan tỏa hình ảnh văn hóa Thăng Long trên bản đồ thế giới.
Trước đó, ngày 9.8.2024, với Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tri thức dân gian phở Hà Nội chính thức được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây không chỉ là sự ghi nhận về giá trị lịch sử và văn hóa, mà còn mở ra cơ hội bảo tồn và phát triển bền vững tinh hoa ẩm thực truyền thống của Thủ đô.
Phở Hà Nội xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX và nhanh chóng trở thành một biểu tượng của ẩm thực Thủ đô. Phở đặc trưng truyền thống ở Hà Nội là phở nước, mà chủ yếu là phở bò và phở gà. Đây là món ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp với mọi lứa tuổi và đối tượng.
Một bát phở truyền thống Hà Nội hội tụ đầy đủ sự tinh tế: sợi bánh phở làm từ gạo tẻ, thịt (thịt bò đối với phở bò và thịt gà đối với phở gà) chan nước dùng thơm ngọt ninh từ xương (xương bò ninh nước dùng cho phở bò; xương gà, lợn với phở gà) kết hợp các gia vị đặc trưng, thêm hành, rau mùi (có cửa hàng thêm rau húng) và ăn kèm với quẩy, nêm nếm dấm tỏi, tương ớt, chanh, hạt tiêu... tuỳ theo sở thích.
Không chỉ là một món ăn giàu dinh dưỡng, phở còn là một nét văn hóa kết nối con người, phản ánh tinh hoa ẩm thực Việt.
Chủ thể thực hành di sản chính là các chủ cửa hàng phở, những người giữ gìn và truyền thụ nghề qua nhiều thế hệ trong gia đình, vừa bảo tồn tri thức vừa tạo sinh kế cho cộng đồng.
Cửa hàng phở là không gian để mọi người kết nối giao lưu, là nơi gặp gỡ của những người bạn chung sở thích về ẩm thực.
Cùng với sự phát triển của Hà Nội, những cửa hàng phở gia truyền đã chứng kiến nhiều thế hệ giữ gìn và phát huy giá trị món ăn truyền thống này. Đơn cử, để có thương hiệu Phở Thìn Bờ Hồ như ngày nay, vào những năm 50 của thế kỷ XX, ông Bùi Chí Thìn đã khởi nghiệp với phở gánh bán rong quanh khu vực Bờ Hồ, vườn hoa con Cóc sau đó bán cố định tại 61 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm. Hay Phở Ông Đào tại 33 phố Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm, do ông Vũ Văn Tâm ban đầu khởi nghiệp bán phở gánh ở khu vực phố Nguyễn Thiện Thuật và Trần Nhật Duật vào những năm 50 của thế kỷ XX…
Theo thống kê, đến năm 2023, toàn thành phố Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, tập trung trên địa bàn các quận: Ba Đình (21 cửa hàng phở), Hoàn Kiếm (32 cửa hàng phở), Cầu Giấy (29 cửa hàng phở), Đống Đa (9 cửa hàng phở), Hai Bà Trưng (30 cửa hàng phở), Thanh Xuân (56 cửa hàng phở), Long Biên (93 cửa hàng phở). Trong đó, những thương hiệu phở gia truyền (trên 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà và tập trung tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Hai Bà Trưng.
Việc đưa tri thức dân gian phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng và tích cực đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực truyền thống trong tương lai.
Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024, từ nay tới hết ngày 1.12, sẽ có nhiều hoạt động tôn vinh phở Hà Nội như tọa đàm "Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể phở Hà Nội" (sáng 1.12), triển lãm ảnh về phở và gia vị phở.
Khách tham quan cũng được thưởng thức hai không gian phở gồm: Không gian phở truyền thống với các nghệ nhân, đầu bếp hàng đầu; và Không gian trải nghiệm phở cùng robot thông minh. Qua đó cho thấy phở không chỉ được bảo tồn và còn phát triển, lan tỏa mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ.