Có hay không tình trạng đối phó khi chuẩn bị văn bản hướng dẫn?

Phương Thủy - Hoàng Ngọc 19/03/2018 12:31

Trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sáng nay, một số ĐBQH nêu thực trạng, dù công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được cải tiến nhiều trong thời gian qua, song tình trạng khiếu kiện lòng vòng, kéo dài vẫn còn không ít. Một câu hỏi tiếp tục được đặt ra, đó là có hay không tình trạng việc chuẩn bị dự thảo văn bản hướng dẫn kèm theo một số dự án Luật mang tính hình thức, đối phó?

Một số vụ việc cụ thể - cán bộ ngành tư pháp giải quyết chưa rốt ráo

Chất vấn về tình trạng này, ĐBQH Đặng Thị Ngọc Thịnh (Vĩnh Long) đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có cần thiết cải tiến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo không? Và nếu có, thì quy trình này cần cải tiến theo hướng nào để khắc phục hiệu quả những hạn chế hiện nay?

 Trả lời trực tiếp với những vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, những vụ việc này tập trung vào công tác thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp trong cấp lý lịch (luật sư, quốc tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp...), hay một số vấn đề trong hành chính tư pháp.

Nhấn mạnh đây là những lĩnh vực được Bộ Tư pháp ưu tiên xử lý trong khiếu nại tư pháp, song Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thừa nhận, trong thực tế cũng có trường hợp đã giải quyết hết theo quy trình, nhưng người dân chưa đồng tình, nên văn bản trả lời đi trả lời lại, có văn bản chuyển lòng vòng. Trong trường hợp này, nếu giải trình theo con đường hành chính chưa tạo sự thỏa mãn, thì cần đưa ra Tòa án giải quyết. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ rõ, “có một số vụ việc cụ thể, cán bộ, công chức trong ngành giải quyết chưa rốt ráo”.

ĐBQH Đặng Thị Ngọc Thịnh (Vĩnh Long) Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Đặng Thị Ngọc Thịnh (Vĩnh Long)
Ảnh: Lâm Hiển 

Để tháo gỡ, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra theo từng vụ việc. Với nhóm vụ việc kéo dài, sẽ phải lập danh sách cụ thể từng vụ việc, trong đó ghi rõ lý do kéo dài. Công tác tiếp công dân được thực hiện hàng tháng, do Bộ trưởng, hoặc lãnh đạo Bộ trực tiếp tham gia. Trong công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp lập Tổ công tác, do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phụ trách chỉ đạo và lập danh sách các vụ việc, quá trình giải quyết từng vụ việc.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, việc cung cấp thêm thông tin về tình hình giải quyết khiếu kiện, tố cáo là để ĐBQH hiểu và chia sẻ với công tác này. Ngành tư pháp đã xác định giảm tối đa vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; tăng cường chỉ đạo cán bộ, công chức giải quyết công việc rốt ráo, để giảm số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo. “Tinh thần chung là giải quyết khiếu nại, tố cáo công minh, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được quy định”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói. 

Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn Ảnh: Lâm Hiển
Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Ảnh: Lâm Hiển

Có đối phó hay không, cần thời gian suy xét thêm

Tiếp tục quan tâm tranh luận về có hay việc chậm trễ trong xây dựng Nghị định hướng dẫn kèm theo các văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất đối phó, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, “nhận định này (của ĐB Nguyễn Trường Giang - Đắk Lắk) cơ bản là đúng”. Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, “nguyên nhân cốt lõi là nhiều dự án luật chất lượng không bảo đảm, cho nên từ khi trình QH cho đến khi thông qua thay đổi quá nhiều”.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) Ảnh: Lâm Hiển
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)
Ảnh: Lâm Hiển 

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Sỹ Cương, có hay không nguyên nhân nêu trên, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ: “Nếu khái quát chung trong sức ép về mặt thời gian cùng lúc trình dự thảo Luật và dự thảo Nghị định hướng dẫn, thì rõ ràng chất lượng dự thảo Nghị định khó bảo đảm; còn đối phó hay không có lẽ cần có điều kiện, thời gian suy xét thêm”.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, khi bàn đến vướng mắc này, phải bàn đến vấn đề lớn hơn, đó là quy trình làm luật. Và phải thừa nhận thực tế có những dự thảo văn bản khi Chính phủ trình sang, rồi đến thẩm tra của các Ủy ban thì đều có sự thay đổi, nếu không muốn nói là có nhiều nội dung thay đổi.

Khẳng định “đây là quá trình tự nhiên và đóng góp trí tuệ của nhiều chủ thể khác nhau”, Bộ trưởng Lê Thành Long lý giải: Chính phủ trình, các Ủy ban của QH tham mưu, chỉnh lý, với những vấn đề không thống nhất với nhau, QH đề xuất Chính phủ xem xét tiếp thu. Vừa qua đã có một số dự án Luật, như Luật Quy hoạch - QH xem xét thông qua trong 3 kỳ họp; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), dự án Luật về hội… Ở đây, “rõ ràng có vấn đề liên quan đến chất lượng chuẩn bị, tôi cơ bản đồng tình với nhận xét của các đại biểu”, Bộ trưởng nói.

Trở lại với việc xử lý chất lượng luật như thế nào, thừa nhận đây là “sự cố gắng của cơ quan trình”, nhưng Bộ trưởng Lê Thành Long vẫn cho rằng, “cần xem xét quy trình làm luật”. Khi Chính phủ giao cho một cơ quan trình dự án luật, thì cơ quan đó có trách nhiệm bảo vệ những ý kiến của mình trước UBTVQH, trước QH. Trong trường hợp không bảo vệ được thì phải chấp nhận trường hợp không thông qua. “Nếu chúng ta cứ cố gắng dung hòa các ý kiến để có được dự án luật tròn trĩnh trình QH thông qua, nhiều khi sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án Luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long thẳng thắn.

Khẳng định Bộ trưởng trả lời “rất cầu thị và rất đúng”, nhưng ĐB Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ “không bằng lòng” với việc “đổ lỗi cho sức ép về mặt thời gian”. “Dự án Luật nào chúng ta cũng kêu khó và thời gian gấp, trong khi đó, ngay khi xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp luật, QH đã tính toán đủ thời gian theo yêu cầu của cơ quan chủ trì và tổng hợp của Bộ Tư pháp”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương dẫn chứng, tuy nhiên, “có trường hợp, chuẩn bị xây dựng dự án luật lúc đầu rất đủng đỉnh, sau mới cuống lên”. “Nếu thời gian không đủ, không bảo đảm chất lượng dự án Luật thì không nên trình trước UBTVQH, trước QH, ĐB Nguyễn Sỹ Cương đề nghị.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ: Về nguyên tắc, luật và pháp lệnh phải quy định chi tiết, rõ ràng để bảo đảm thi hành được ngay. Trong Luật Ban hành văn bản QPPL, văn bản quy định chi tiết quy định những vấn đề về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và vấn đề chưa có tính ổn định. Và khi soạn thảo dự án luật phải đồng thời soạn thảo cả dự thảo Nghị định.

“Chúng tôi cũng biết rằng, trong quá trình thảo luận, có thể có nội dung thuộc chính sách trình ban đầu có sự thay đổi. Khi ấy, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan cùng ngồi với nhau để chuẩn bị cả dự thảo nghị định với nội dung trình có sự thay đổi về ban đầu như thế. Và cuối cùng nhằm bảo đảm mốc cùng thời điểm khi luật có hiệu lực”. Nhưng “đúng là có một số dự án luật, dự thảo Nghị định khi trình sang QH mang tính hình thức, đối phó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Bộ Tư pháp là cơ quan được giao chức năng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị, Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong văn bản của bộ, ngành, địa phương?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long Ảnh: Lâm Hiển
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Ảnh: Lâm Hiển 

Bộ trưởng Lê Thành Long: Tôi cho rằng, sử dụng thuật ngữ “lợi ích nhóm” e rằng là khái quát hơi mạnh. Nhưng thực tế, dù quy trình làm luật hiện nay cơ bản đã ổn, thì cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này hay cách khác, có phần dành thuận lợi hơn cho ngành mình. Những văn bản có biểu hiện cục bộ thường được thể hiện qua việc đưa các quỹ, tổ chức, chế độ, chính sách trong đạo luật không phải chuyên ngành và đề ra một số điều kiện tham gia thị trường.

Qua rà soát các văn bản hiện hành, Bộ Tư pháp nhận thấy, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII đã yêu cầu không quy định tổ chức trong văn bản pháp luật của ngành, và hiện việc xây dựng các chính sách cơ bản bám sát tinh thần Nghị quyết. Do quy trình, thủ tục trong Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 tương đối chặt chẽ, với từng tầng, từng nấc, từng công đoạn đánh giá tác động rõ ràng, nên lợi ích nào đó sâu hơn cho ngành sẽ tương đối khó đưa vào văn bản quy phạm pháp luật của ngành.

Với Bộ Tư pháp, Bộ đã đưa ra 4 yêu cầu với cán bộ, công chức, thậm chí coi như là cẩm nang với từng cá nhân khi thẩm định văn bản QPPL. Cụ thể là, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải tuân thủ đúng quy trình; có đủ năng lực, trình độ để khi phát hiện vấn đề có nhận định thuyết phục; tuân thủ đúng quy trình, thủ tục từ quá trình lập đề nghị, đến lập dự thảo, trình QH cho ý kiến, xem xét, thông qua.

P. Thủy

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có hay không tình trạng đối phó khi chuẩn bị văn bản hướng dẫn?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO