Thu hồi phương tiện cơ giới hết niên hạn

Có giải pháp, lộ trình thích hợp

- Chủ Nhật, 24/01/2021, 09:09 - Chia sẻ
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề nghị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thực hiện thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Theo các chuyên gia, để đề xuất mang lại hiệu quả thực tiễn, cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ với lộ trình thích hợp.

Loại bỏ phương tiện cũ nát

Theo Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do bụi mịn PM2.5 gia tăng báo động, gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng. Trong đó, đa phần nguồn phát thải từ hoạt động giao thông chiếm đến 45%; đặc biệt xe máy hết niên hạn sử dụng là nguyên nhân chính chiếm 71% trong tổng số các loại xe. Kết quả thí điểm kiểm tra khí thải xe máy từ 5 năm trở lên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2020 ghi nhận, khoảng gần 30% trong tổng số 10.000 phương tiện có lượng phát thải vượt mức an toàn đối với môi trường và sức khỏe con người.

Điều đáng nói, dù các ngành chức năng thường xuyên liên hệ trao đổi về số lượng, thời hạn của các xe đang lưu hành, cũng như thông báo cho các chủ xe biết về việc xe đã quá hạn sử dụng; yêu cầu các trung tâm đăng kiểm giám sát, không cấp mới nhưng nhiều chủ xe vẫn phớt lờ, không thực hiện; có chủ xe còn cố tình hoán cải, làm giả giấy tờ, biển số để lưu thông. Thậm chí, lợi dụng địa hình khó khăn ở khu vực miền núi hay vùng sâu, vùng xa, lực lượng chức năng khó kiểm soát, xe hết niên hạn được “tuồn” về để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyên chở nông sản hàng hóa, đất đá vẫn diễn ra thường xuyên. Cùng với đó, vẫn chưa có hướng xử lý đối với hàng nghìn xe cũ nát, xe hết niên hạn không có người nhận ở các bến xe và tại các nơi tạm giữ xe của lực lượng Cảnh sát Giao thông TP Hồ Chí Minh.

Xe cũ nát hoặc hết niên hạn lưu hành là một trong những nguyên nhân khiến mức độ ô nhiễm môi trường ở các đô thị ngày càng gia tăng trầm trọng. Khắc phục tình trạng này, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 7442/BTNMT-TCMT gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để “điểm nóng” về ô nhiễm bụi, khí thải. Đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sớm thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường...

Lộ trình phù hợp trong thu hồi phương tiện cơ giới hết niên hạn  

Nguồn: ITN 

Nghiên cứu, tính toán kỹ

Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030 sẽ thực hiện kiểm soát phát thải khí thải định kỳ với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông. Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cũng đã bổ sung quy định về kiểm tra khí thải xe máy.

 

Thực hiện thu hồi phương tiện cơ giới cũ nát là rất cần thiết, điều này không chỉ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Nhà nước tính chuyện thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như thiếu cơ sở, hành lang pháp lý và e ngại dư luận xã hội. Do đó, để mang lại hiệu quả thực tiễn, lần này cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng để có giải pháp và lộ trình thích hợp.

Đồng tình với đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An, cần thực hiện đồng bộ việc kiểm soát khí thải xe gắn máy; siết chặt xử phạt để hạn chế các phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành; có số liệu khảo sát, đánh giá, tính toán số lượng, loại xe, mức độ ảnh hưởng của xe máy cũ với môi trường như thế nào trước khi đưa ra quyết định. Luật sư Lê Văn Lên, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, sự kiểm định và đánh giá chất lượng khí thải, chất lượng phương tiện phải được thực hiện chặt chẽ, khoa học để ra quyết định xử lý chính xác. Bởi, trên thực tế có nhiều phương tiện được người dân sở hữu từ lâu nhưng thời gian tham gia giao thông ít nên chất lượng phương tiện vẫn bảo đảm.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Hồ Quốc Bằng đề xuất, cần có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thu hồi, xử lý những xe quá niên hạn; hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu những loại xe máy thân thiện với môi trường, để các loại xe này bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, từ đó khuyến khích người dân sử dụng. Hạ tầng giao thông cũng cần đồng bộ và phù hợp với các loại xe máy thân thiện với môi trường như cần bố trí thêm nơi sạc điện tại những điểm giao thông công cộng để phục vụ người dân trong quá trình sử dụng xe máy điện...

Ngoài ra, do việc thu hồi xe máy cũ nát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và đời sống của một bộ phận người dân, nên để tăng tính khả thi, cần lưu ý đến chính sách an sinh xã hội. Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế dùng phương tiện cũ nát, ý thức hơn trong việc duy tu bảo dưỡng phương tiện, hạn chế thấp nhất khí thải ra môi trường; cũng như chủ động từ bỏ phương tiện xe cũ nát, xe hết niên hạn để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Hiểu Lam