Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm nay diễn ra tại một phòng họp ở Washington, nơi cách đây 75 năm đã diễn ra lễ ký kết hiệp ước thành lập hệ thống phòng thủ tập thể phương Tây, ban đầu có 12 quốc gia thành viên. Kéo dài 3 ngày, từ ngày 10 - 12.7 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị sẽ thảo luận các nội dung quan trọng bao gồm: viện trợ cho Ukraine, hợp tác rộng rãi hơn với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người chủ trì sự kiện này, nhấn mạnh: “Hôm nay, NATO mạnh hơn bao giờ hết trong lịch sử của mình”. “Lần này đến lần khác vào những thời điểm quan trọng, chúng ta đã chọn đoàn kết thay vì chia rẽ, tiến bộ thay vì thoái lui, hy vọng thay vì sợ hãi”, ông Biden nhấn mạnh.
Vấn đề Ukraine
Chủ đề lớn nhất trong chương trình nghị sự là hỗ trợ Ukraine. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 8.7, cố vấn an ninh của Biden, Mike Carpenter, cho biết, các đồng minh NATO dự kiến sẽ công bố gói hỗ trợ mới cho Ukraine, bao gồm khoản tài trợ trị giá 40 tỷ euro (43,2 tỷ USD) trong năm tới ngoài hàng triệu euro do các nước NATO cam kết song phương; đồng thời công bố kế hoạch tăng cường khả năng phòng không của nước này thông qua việc cung cấp thêm máy bay chiến đấu F-16.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo NATO cũng dự kiến công bố một loạt biện pháp mới nhằm củng cố sự ủng hộ trong ngắn hạn và dài hạn cho quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Các biện pháp bao gồm thành lập một bộ chỉ huy mới tại Wiesbaden, Đức, để phối hợp huấn luyện quân đội Ukraine cũng như cử một người dân sự làm đại diện cấp cao của NATO tại Kiev để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc giữa liên minh và chính quyền Ukraine. Các quan chức cho biết, bộ chỉ huy này, cũng được thiết kế để giúp điều phối việc cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine, sẽ do một vị tướng ba sao chỉ huy và có thể có khoảng 700 nhân viên.
Vấn đề tư cách thành viên NATO của Ukraine được dự đoán cũng là một chủ đề nóng hổi. Tuy nhiên, tham vọng gia nhập của Ukraine đã bị sa lầy bởi các yêu cầu cải cách nội bộ và nỗi lo sợ của liên minh về việc leo thang căng thẳng với Nga. Trong khi tư cách thành viên của Ukraine được dự đoán sẽ chưa thể được bật đèn xanh trong tương lai gần, các đồng minh NATO trong những tháng gần đây đã tăng cường hỗ trợ cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
Các nhà lãnh đạo NATO, bao gồm cả Tổng thống Biden, trước đây đã hứa sẽ không kéo liên minh vào cuộc xung đột Nga - Ukraine và đã hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí do các đồng minh cung cấp vào các mục tiêu bên trong nước Nga. Nhưng vào tháng 5, Biden lần đầu tiên cho phép Kiev sử dụng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga gần Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cách biên giới Nga 40km (25 dặm).
Chi tiêu quốc phòng
Hoa Kỳ là nguồn tài chính quan trọng của NATO, và Hoa Kỳ cùng với NATO từ lâu đã cố gắng thúc đẩy chi tiêu quân sự từ các quốc gia thành viên khác. Tiến độ thực hiện mục tiêu năm 2014 là mỗi quốc gia sẽ chi ít nhất 2% tổng GDP cho quốc phòng vào năm 2024 dự kiến sẽ được xem xét lại. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết 23 thành viên hiện đang đạt được mục tiêu đó, tăng từ 9 thành viên vào năm 2021, sau khi cam kết được tái khẳng định tại hội nghị thượng đỉnh năm ngoái ở Vilnius, Litva.
Tuy nhiên, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào các quốc gia chưa thực hiện được lời cam kết, đặc biệt là Canada, một quốc gia giàu có hơn trong số các thành viên không đạt được mục tiêu. Vào tháng 5 vừa qua, 23 thượng nghị sĩ Mỹ từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đã viết một lá thư gửi Thủ tướng Canada Trudeau, bày tỏ "sự thất vọng" của họ sau khi quốc gia này tiết lộ chi tiêu quốc phòng của họ sẽ chỉ đạt 1,7% GDP vào năm 2029. Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair đã trả lời lá thư bằng cách nói rằng: "Canada đang trên đà tăng chi tiêu quốc phòng mạnh mẽ" và "chúng tôi biết chúng tôi còn nhiều việc phải làm". Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha cũng nằm trong số những quốc gia chi tiêu ít nhất.
Củng cố quan hệ với các nước Thái Bình Dương
Sáng 11.7, NATO dự kiến sẽ có cuộc họp với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu để thảo luận về các lợi ích và thách thức chung. Giống như hai năm trước, Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc là các nước châu Á-Thái Bình Dương đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO lần này.
Phát biểu trước khi bắt đầu Hội nghị, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan cho biết NATO và 4 đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - sẽ khởi động bốn dự án chung mới trong đó có các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chống thông tin sai lệch, an ninh mạng và hợp tac trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Ông Sullivan nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Mỹ, châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở nên quan trọng và gắn kết hơn bao giờ hết.
"Những gì xảy ra ở châu Âu sẽ tác động đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tác động đến châu Âu. Chúng ta chứng kiến điều này hàng ngày", ông nói.
Không đi sâu vào chi tiết của bốn sáng kiến, ông cho biết các sáng kiến khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu chính là "khai thác sức mạnh độc đáo của các nước tiên tiến để giải quyết những thách thức chung toàn cầu".
Thách thức rạn nứt
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ cố gắng thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết trong bối cảnh mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhưng những rạn nứt nội bộ giữa các quốc gia thành viên sẽ khó có thể che giấu.
Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là những thành viên trì hoãn nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Hai nước này cũng nằm trong số ít thành viên NATO duy trì mối quan hệ thân thiện với Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, đã nhiều lần chặn viện trợ của EU cho Ukraine. Kể từ khi nhậm chức chủ tịch EU, ông Orban đã thể hiện là nhân vật gìn giữ hòa bình. Tuần trước, ông đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại để bàn về giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine. Ông Orban gọi chuyến đi là "sứ mệnh hòa bình" sau chuyến thăm Ukraine. Orban cũng đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 8.7 để thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ông mô tả Trung Quốc là một lực lượng ổn định trong bối cảnh toàn cầu bất ổn và ca ngợi các sáng kiến hòa bình "mang tính xây dựng và quan trọng" của nước này, trong đó, có kế hoạch hòa bình 6 điểm mà Bắc Kinh và Brazil đề xuất vào tháng 5 để chấm dứt chiến tranh. Nga đã đồng ý với kế hoạch này, nhưng Ukraine cho biết kế hoạch này không đáp ứng các điều kiện của mình.