Có gì trong chương trình Nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Thủ tướng Anh?

Quỳnh Vũ (Theo BBC) 27/05/2024 17:04

Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 26.5 đã công bố kế hoạch tái áp dụng Luật Nghĩa vụ quốc gia bắt buộc nhưng với một số quy định mới (còn được gọi là chương trình Nghĩa vụ quốc gia) nếu đảng Bảo thủ tiếp tục nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới. Vậy đề xuất này có nội dung cụ thể như thế nào, và sẽ tác động đến xã hội Anh ra sao?

Vực dậy tinh thần dân tộc, ý thức xã hội cho thanh niên

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho hay, việc áp dụng Luật Quân sự bắt buộc với toàn bộ thanh niên trên 18 tuổi sẽ giúp vực dậy tinh thần dân tộc và mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho những người trẻ tuổi. BBC dẫn lời Thủ tướng Sunak cho biết: “Đây là một đất nước tuyệt vời nhưng các thế hệ thanh niên không có cơ hội hoặc trải nghiệm thứ mà họ xứng đáng có được, đặc biệt trong một thế giới bất ổn các thế lực đang cố gắng chia rẽ xã hội”.

Có gì trong Chương trình Nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Thủ tướng Anh? -0
Thủ tướng Anh Rishi Sunak với quân nhân Anh. Ảnh: BBC

“Tôi có một kế hoạch rõ ràng để giải quyết vấn đề này và đảm bảo tương lai của chúng ta. Tôi sẽ đưa ra chương trình Nghĩa vụ quân sự mới để tạo ra ý thức chung về mục đích trong giới trẻ và cho họ niềm tự hào mới về đất nước, giúp họ có cơ hội học các kỹ năng thực tế, đóng góp cho cộng đồng và đất nước”, Thủ tướng nói.

Ông cho rằng, động thái này sẽ giúp những người trẻ tuổi học “các kỹ năng thực tế, làm những điều mới và đóng góp cho cộng đồng của họ và đất nước”.

Đảng Bảo thủ cho biết chương trình này sẽ giúp đảm bảo những người trẻ không có việc làm, không được giáo dục hoặc đào tạo hoặc có nguy cơ dính líu đến tội phạm, thoát khỏi "cuộc sống thất nghiệp và tội phạm". Nghĩa vụ quốc gia sẽ mang lại "kinh nghiệm làm việc có giá trị" và "khơi dậy niềm đam mê cho sự nghiệp tương lai trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ công cộng, từ thiện hoặc lực lượng vũ trang".

Cũng phát biểu với BBC, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly cho biết, kế hoạch này sẽ không bị ép buộc thanh niên phục vụ trong quân đội; không nhằm tăng cường sức mạnh quân đội mà là xây dựng xã hội nơi mọi người "sống hòa nhập hơn", bất kể họ đến từ đâu, có tôn giáo và thu nhập như thế nào.

Trong khi đó, bản kế hoạch dài 40 trang được soạn thảo nêu rõ, việc tăng cường lực lượng vũ trang là cần thiết khi đối mặt với các mối đe dọa quốc tế ngày càng tăng. Trong suốt lịch sử 364 năm, chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc chỉ được áp dụng trong Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai. Chế độ này kết thúc vào năm 1960. Các lực lượng vũ trang Anh đã chứng kiến sự cắt giảm đáng kể với số lượng quân nhân giảm hơn 25% trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2024.

Hai lựa chọn cho thanh niên

Chương trình mới được đề xuất sẽ không phải là chế độ tòng quân trước kia.

Theo chế độ trước kia thanh niên được yêu cầu phải gia nhập lực lượng vũ trang một cách hợp pháp trong một thời gian. Thanh niên khi đủ 18 tuổi sẽ phải hoàn thành chương trình nghĩa vụ cộng đồng trong thời gian 12 tháng hoặc đăng ký tham gia chương trình huấn luyện quân sự kéo dài một năm. Đây là chế độ quân sự bắt buộc đối với thanh niên Anh (bao gồm nam thanh niên và một số nữ thanh niên) trong độ tuổi 17-21 phải thực hiện từ năm 1949 đến năm 1960. Sau đó, họ phải thực hiện nghĩa vụ quốc gia bao gồm 18 tháng huấn luyện quân sự và dành 4 năm trong danh sách dự bị, nghĩa là họ có thể được gọi đi chiến đấu trong thời gian ngắn.

Còn chương trình Nghĩa vụ quốc gia mà đảng Bảo thủ đề xuất sẽ không buộc thanh niên phải tham gia huấn luyện quân sự. Thay vào đó, sẽ có hai lựa chọn đối với thanh niên đủ 18 tuổi trở lên.

Lựa chọn thứ nhất là hoạt động tình nguyện cộng đồng: Thanh niên có thể dành một ngày cuối tuần của mỗi tháng (tương đương với 25 ngày trong khoảng thời gian 12 tháng) tham gia các hoạt động tình nguyện với các tổ chức từ thiện, dịch vụ cứu hỏa, cứu thương, tìm kiếm cứu nạn, dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và cơ sở hạ tầng quan trọng của địa phương.

Lựa chọn thứ hai là tham gia huấn luyện quân sự: Đăng ký một trong số 30.000 vị trí quân sự “chọn lọc” dành riêng cho thanh niên được coi là “sáng giá nhất và tốt nhất” trong các lĩnh vực như hậu cần, an ninh mạng, mua sắm hoặc các hoạt động ứng phó dân sự trong thời gian dài một năm.

Sẽ có chế tài đối với người không tuân thủ

Mặc dù thanh niên 18 tuổi có quyền lựa chọn loại nghĩa vụ quốc gia mà họ muốn đăng ký nhưng việc tham gia sẽ không phải là tự nguyện mà là bắt buộc.

Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly cho biết, thanh niên sẽ không phải vào tù nếu không tham gia, nhưng sẽ có những biện pháp chế tài phi hình sự đối với những người cố tình từ chối. Hiện đảng Bảo thủ chưa cho biết những hình phạt đó sẽ là gì.

Chương trình này sẽ có bao nhiêu người tham gia?

Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh quốc, tính đến năm 2021, có khoảng 775.000 thanh niên 18 tuổi ở Anh. Nếu con số này không thay đổi quá nhiều, điều đó có nghĩa là cứ 26 thanh niên 18 tuổi thì chỉ có một người thực hiện nghĩa vụ quân sự (30.000 trên tổng số hơn 700.000 thanh niên). Số còn lại sẽ tham gia hoạt động tình nguyện cộng đồng.

Hiện chưa rõ liệu những người hoàn thành khóa huấn luyện quân sự sẽ trở thành quân nhân dự bị hay được lựa chọn tham gia khóa huấn luyện nâng cao; và cũng chưa rõ liệu những người đang đi học hoặc đi làm toàn thời gian có bị buộc phải tham gia hay không, hay liệu họ có thể trì hoãn nghĩa vụ này hay không. Đảng Bảo thủ cũng chưa cho biết liệu công dân Anh sống ở nước ngoài có bắt buộc phải trở về nước để hoàn thành nghĩa vụ quốc gia hay không.

Khi nào chương trình Nghĩa vụ quốc gia được áp dụng?

Đảng Bảo thủ vẫn chưa công bố một kế hoạch chính thức, thay vào đó họ cho biết họ sẽ thành lập một Ủy ban Hoàng gia để hoàn thiện “chương trình Nghĩa vụ quốc gia”. Mặc dù đảng Bảo thủ đặt mục tiêu triển khai chương trình thí điểm vào tháng 9.2025 nhưng có thể thời điểm này mới chỉ áp dụng với quy mô tương đối nhỏ.

Đảng Bảo thủ cam kết, trong trường hợp đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, họ sẽ đưa toàn bộ kế hoạch vào áp dụng “trước khi Nghị viện khóa tiếp theo kết thúc”, có thể muộn nhất là vào năm 2029.

Đảng Bảo thủ ước tính chi phí cho kế hoạch vào khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm. 1,9 tỷ USD trong số này sẽ được trích từ Quỹ thịnh vượng chung của Vương quốc Anh, được thành lập năm 2022 để cải thiện cuộc sống cho những cộng đồng nghèo. Số còn lại sẽ được lấy từ nguồn thu nhờ trấn áp hành vi trốn thuế.

Tuy nhiên, thông báo của Thủ tướng Anh đã bị phe đối lập chỉ trích. Công đảng và đảng Dân chủ Tự do cáo buộc đảng Bảo thủ đã làm suy sụp nền kinh tế Anh và làm giảm quân số lực lượng vũ trang.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có gì trong chương trình Nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Thủ tướng Anh?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO