Cô gái nhỏ mang hy vọng lớn

- Thứ Năm, 29/07/2021, 06:46 - Chia sẻ
“Amal là một cô bé 9 tuổi người Syria. Cô bé là trẻ tị nạn, phải rời bỏ quê hương và đang trong một hành trình không thể tin được”. Đây là lời giới thiệu về sáng kiến nghệ thuật “The Walk” và Amal là một con rối có kích thước to hơn người thật sẽ thực hiện quãng đường 8.000km tới nhiều nước để kêu gọi ủng hộ người tị nạn, nhất là cho trẻ em.
	Cô bé Amal trong cuộc họp báo tại London trước khi bắt đầu hành trình - Nguồn: DW
Cô bé Amal trong cuộc họp báo tại London trước khi bắt đầu hành trình
Nguồn: DW

Sáng kiến độc đáo

Amal cao tới 3,5m, là nhân vật trung tâm và duy nhất của dự án nghệ thuật mang tên “The Walk”, khởi động ngày 27.7 tại Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria. Cô bé đi tìm mẹ - người đã ra ngoài kiếm thức ăn và không bao giờ trở về, tìm cách trở lại trường học và bắt đầu một cuộc sống mới. Trong hơn 2 tháng, Amal (tiếng Ảrập nghĩa là “hy vọng”) sẽ đi quãng đường 8.000km qua 8 nước châu Âu, gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italy, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Bỉ và Vương quốc Anh.

Trên hành trình của Amal sẽ có khoảng 100 hoạt động giáo dục và nghệ thuật do các nghệ sĩ nổi tiếng địa phương, các viện văn hóa lớn, các nhóm cộng đồng, các tổ chức nhân đạo thực hiện. Vì thế, “The Walk” còn được coi là một liên hoan nghệ thuật và hy vọng di động nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về cuộc khủng hoảng người tị nạn và ủng hộ trẻ em trong các trại tị nạn được học tập.

“Rõ ràng thế giới đang tập trung vào những vấn đề khác, chứ không phải cuộc khủng hoảng người tị nạn”, Amir Nizar Zuabi, đạo diễn nghệ thuật của “The Walk” nhấn mạnh. Ông nói rằng, mục tiêu của sáng kiến này là làm nổi bật tiềm năng của người tị nạn hơn là chỉ nói đến hoàn cảnh khủng khiếp của họ. Trên trang web của mình, sáng kiến này được coi là một trong những công trình nghệ thuật công cộng sáng tạo và mạo hiểm nhất từng được thực hiện, với những chú rối.

Con rối Amal do Công ty rối Handspring nổi tiếng của Nam Phi thực hiện. Để tạo thành Amal cần 4 con rối: 2 cánh tay 2 con, lưng 1 con, và một con bên trong cơ thể. Amal đi trên cà kheo. Con rối bên trong hoạt động như một hệ thống dây điều khiển biểu cảm trên mặt của Amal.

Những người sáng lập Handspring, Basil Jones và Adrian Kohler, thậm chí “hoãn” nghỉ hưu để sáng tạo ra nhân vật này. Vì như Kohler chia sẻ: “Câu chuyện người tị nạn là vấn đề lớn của thời đại chúng ta… Vào thời điểm mà các nhà hát vẫn đang vật lộn để mở cửa trở lại (do tác động của đại dịch Covid-19), một sự kiện nghệ thuật công cộng như ‘The Walk’ có thể đưa mọi người trở lại cùng nhau”.

Nghệ thuật kết nối mọi người

Công ty sân khấu Good Chance được thành lập năm 2015 trong một trại tị nạn ở Calais, sau được biết đến với tên "The Jungle". Vở kịch đầu tiên của họ cũng mang tên "The Jungle", được giới chuyên môn ở các nhà hát quan trọng nhất của Anh cũng như West End đánh giá cao. Cô bé Amal là một nhân vật trong "The Jungle", đại diện cho hàng trăm em nhỏ tị nạn bị tách khỏi gia đình. Tiếp theo thành công của "The Jungle", góp phần vào cuộc đối thoại toàn cầu về người tị nạn cũng như chia sẻ lòng nhân đạo, lãnh đạo công ty Good Chance cảm thấy câu chuyện của Amal vẫn còn nhiều điều muốn nói. Và giờ đây là hành trình của cô bé với “The Walk”.

Các nghệ sĩ Good Chance nhấn mạnh rằng, mục tiêu của họ là giúp mọi người kết nối với nhau. “Từ khi thành lập, chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng vĩ đại của nghệ thuật trong các cuộc khủng hoảng của con người”, Naomi Webb, Giám đốc điều hành Good Chance viết trên trang web của công ty. “Nghệ thuật có khả năng kỳ diệu là mang mọi người đến với nhau và kể các câu chuyện của con người”.

Fabian Seewald, làm việc cho công ty chuyên sản xuất con rối kích thước lớn ở Đức, đồng tình. “Ví dụ, với con rối Dundu, chúng tôi cũng biểu diễn ở quảng trường Tahrir, Cairo năm 2013. Tại đó, với những con rối kích thước lớn, chúng tôi đã tạo ra những tình huống về điều kỳ diệu trẻ thơ như cầu nối thu hẹp khác biệt giữa các dân tộc và biên giới trong đầu chúng ta, làm cho nó trở thành trải nghiệm cái mà chúng ta có chung”.

Với những con rối kích thước lớn như Amal, nhiều lực lượng phải làm việc với nhau. “Khoảnh khắc aha vĩ đại nhất xảy ra khi bạn cho mọi người cơ hội trực tiếp điều khiển con rối, sau đó tạo ra điều gì đó cùng nhau. Đó là điều kỳ diệu của nghệ thuật múa rối: Cùng nhau mang mọi thứ đến với cuộc sống”, Seewald nói.

Little Amal còn một chặng đường dài phía trước. Qua dự án này, công ty sân khấu Good Chance mong muốn thu hút sự chú ý tới tất cả trẻ em bị bỏ rơi, nhiều trẻ bị xa rời gia đình do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thông điệp khẩn thiết cô bé Amal đưa ra là: “Đừng quên chúng tôi”!

Trần Phương