Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 10 loại vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ các nhà sản xuất trong nước sẽ được phân bổ và chuyển đến các địa phương vào đầu tháng 1.2024.
Cụ thể, có 1,55 triệu liều vaccine phòng lao (BCG); 1 triệu liều vaccine viêm gan B; 4,98 triệu liều vaccine bại liệt uống (OPV); 1,9 liều vaccine sởi; 1,7 liều vaccine sởi -rubella; 1,4 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản; hơn 1,53 triệu liều vaccine phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT); hơn 1,47 triệu liều vaccine uốn ván; gần 1,38 triệu liều vaccine uốn ván - bạch hầu (Td).
9 loại vaccine này đủ để tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm trong năm 2023 và các trẻ đến lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm 2024.
Riêng gần 550.000 liều vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp, là vaccine mới sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi, dự kiến sẽ được triển khai từ quý II.
Trước đó, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực đã hướng dẫn ngành y tế các tỉnh, thành phố thuộc khu vực sẵn sàng tiếp nhận, vận chuyển và bổ sung các loại vaccine đến các điểm tiêm chủng.
Thời gian tới, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur sẽ chỉ đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố duy trì công tác tiêm chủng thường xuyên.
Theo kế hoạch, trong quý I/2024, sẽ ưu tiên cho trẻ ≥ 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vaccine DPT-VGB-Hib, bao gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi, trong đó ưu tiên tiêm trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất. Tiêm trả mũi 2, mũi ba cho trẻ chưa được tiêm đủ ba mũi vaccine DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ hơn 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, trong quý I, Chương trình tiếp tục tập trung tăng cường quản lý đối tượng, ưu tiên tiêm bù, tiêm trả mũi các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em ngay sau khi được cung ứng vaccine.
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, cơ quan chuyên môn đã yêu cầu các điểm tiêm chủng trong trường hợp cần thiết có thể tăng số buổi tiêm chủng nhưng không tăng số trẻ trong 1 buổi tiêm chủng, cán bộ y tế phải nắm chắc những thông tin về an toàn tiêm chủng để truyền thông đến các bà mẹ, nhằm giúp cho bà mẹ theo dõi sát trẻ sau tiêm để kịp thời xử lý khi có tình huống phát sinh không mong muốn...
Cùng đó, tăng cường giám sát các bệnh trong tiêm chủng: giám sát bệnh sởi, rubella, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván sơ sinh, giám sát điểm ca tiêu chảy cấp do virus rota; chuẩn bị triển khai uống vaccine rota là một vaccine mới trong tiêm chủng mở rộng tại 33 tỉnh, thành phố từ quý II.
Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học tại trường học cho những trẻ chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi, qua đó giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch tại cộng đồng.