Nâng chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em
- Xin bà cho biết, hiện tại tỉnh Yên Bái có bao nhiêu cô đỡ thôn bản?
- Tỉnh Yên Bái đã từng đào tạo 95 "cô đỡ thôn bản", những người đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, do nhiều nguyên nhân như có người do kết hôn xa hoặc khó khăn về kinh tế nên đã nghỉ việc, khiến số lượng "cô đỡ thôn bản" giảm sút.
Hiện tại, tỉnh Yên Bái chỉ còn 53 "cô đỡ thôn bản" đang hoạt động; trong đó, có đến 20 người đảm nhận đồng thời 2 vai trò vừa là "cô đỡ thôn bản", vừa là nhân viên y tế thôn bản.
Các "cô đỡ thôn bản" chủ yếu thuộc dân tộc Mông và dân tộc Thái. Tại huyện Trạm Tấu, chỉ có 13 người, một con số khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế - 200 thôn bản tại huyện. Các "cô đỡ thôn bản" đã gắn bó với công việc này nhiều năm; một số người hoạt động từ năm 2016, có người đã có tới 10 năm kinh nghiệm.
- Những năm qua, các "cô đỡ thôn bản" trong tỉnh đã phát huy vai trò của mình như thế nào, thưa bà?
- "Cô đỡ thôn bản" thực sự đóng vai trò là cầu nối quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở những khu vực còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và nguồn lực y tế. Họ không chỉ là những người hỗ trợ trực tiếp cho các bà mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe suốt thai kỳ, mà còn là nhân tố quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về sức khỏe sinh sản.
Đặc biệt là tại huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải, phong tục tập quán sinh con tại nhà vẫn còn rất phổ biến. Trong trường hợp này, các "cô đỡ thôn bản" cùng với việc tư vấn cho các bà mẹ về thời điểm nên đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển dạ, bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con; họ cũng đảm nhận việc đỡ đẻ cho bà mẹ ngay tại nhà trong những trường hợp cấp bách một cách an toàn. Để hỗ trợ công tác này, Bộ Y tế đã cung cấp gói đỡ đẻ sạch, tạo điều kiện cho các cô đỡ thực hiện nhiệm vụ cùng những trang thiết bị và phương tiện cần thiết, giúp giảm thiểu rủi ro cho cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Chuyên sâu trong đào tạo tập huấn
- Thưa bà, công tác đào tạo tập huấn cho đội ngũ cô đỡ thôn bản những năm qua đã được triển khai như thế nào?
- Rất may mắn, trước khi trở thành những "cô đỡ thôn bản", các cô đã được đào tạo chuyên sâu trong vòng 6 tháng tại tỉnh. Chương trình đào tạo do Bộ Y tế tổ chức, bảo đảm cung cấp cho các cô những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Bắt đầu từ năm 2021, mỗi năm, các "cô đỡ thôn bản" được tham gia đào tạo một lần. Chính nhờ việc này, các cô có điều kiện nâng cao tay nghề, cập nhật các phương pháp và kiến thức mới nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Khóa đào tạo thực sự trở thành cơ hội để các "cô đỡ thôn bản" chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, tạo ra một mạng lưới hỗ trợ chặt chẽ giữa các trạm y tế và cộng đồng.
Là người đứng lớp và trực tiếp giảng dạy cho nhiều "cô đỡ thôn bản", tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết và tinh thần ham học hỏi từ họ. Thông qua các khóa đào tạo, nhiều cô đã phát huy được vai trò của mình. Trong đó, nổi bật là cô Hờ Thị Nhứ tại bản Pú Nhu, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, đã đỡ đẻ thành công 2 lần cho sản phụ có tiền sử băng huyết sau sinh. Hay trường hợp của cô Mùa Thị Cu tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã cấp cứu thành công cho em bé bị đẻ rơi dọc đường. Họ là những "cô đỡ thôn bản" giỏi nghiệp vụ, có tâm với nghề.
Nhờ những nỗ lực này, các cô đã và đang giúp gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ y tế và nâng cao hiểu biết về sức khỏe sinh sản, từ đó xây dựng được một cộng đồng khỏe mạnh hơn.
Duy trì và phát triển đội ngũ "cô đỡ thôn bản"
- Theo bà, khó khăn lớn nhất hiện nay để duy trì và phát triển đội ngũ "cô đỡ thôn bản" là gì?
- Việc phát triển và duy trì đội ngũ "cô đỡ thôn bản" là một thách thức không nhỏ đối với các huyện vùng cao. Số lượng "cô đỡ thôn bản" còn rất khiêm tốn, khi đi tập huấn, tôi thường động viên các học viên rằng, ngoài những thôn bản mà mình được phụ trách, cũng có thể hỗ trợ cho thôn khác khi cần thiết. Đây là cách chia sẻ khó khăn và tăng cường sức mạnh cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực.
Nhiều "cô đỡ thôn bản" phải di chuyển từ thôn này sang thôn khác để hỗ trợ và giúp đỡ bà mẹ trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, đặc biệt là ở những khu vực miền núi xa xôi, nơi mà đường sá đi lại rất khó khăn. Tại những thôn ở vùng cao, khoảng cách di chuyển có thể lên đến 10km.
Hiện tại, mức phụ cấp cho các "cô đỡ thôn bản" còn rất khiêm tốn. Theo quy định, nhân viên y tế thôn trong thời gian công tác sẽ được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương cơ sở. Trước đây là 900.000 đồng, nay lên được 1.170.000 đồng. Với mức thu nhập như vậy, cuộc sống của các cô gặp nhiều khó khăn.
- Bà có kiến nghị gì để phát triển đội ngũ "cô đỡ thôn bản" hiện nay?
- Đầu tiên, tôi xin kiến nghị với Bộ Y tế về việc thường xuyên cập nhật kiến thức cho "cô đỡ thôn bản". Ngoài việc tham gia các khóa bồi dưỡng, các cô đỡ ở miền Bắc có thể tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các cô đỡ ở miền Trung và miền Nam. Sự giao lưu này sẽ giúp các cô nắm bắt được nhiều phương pháp và kỹ thuật mới.
Mặt khác, tôi rất mong muốn có thể tổ chức thêm 1 - 2 lớp đào tạo "cô đỡ thôn bản" tại Yên Bái. Mục tiêu quan trọng là bảo đảm mỗi thôn bản ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đều có ít nhất 1 cô đỡ. Với tình hình hiện tại, số lượng cô đỡ còn thiếu trầm trọng, chỉ đạt chưa đến 10% so với nhu cầu thực tế, vì vậy, việc tăng cường nguồn nhân lực là rất cần thiết.
Một điều vô cùng quan trọng nữa là chế độ đãi ngộ cho các cô đỡ. Hiện tại, mức hỗ trợ mà các cô đang nhận là khá thấp so với công việc mà họ thực hiện. Chẳng hạn, chỉ riêng chi phí điện thoại liên lạc cũng tốn kém không ít. Chúng tôi mong muốn, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho các "cô đỡ thôn bản", nhằm giữ chân và phát huy năng lực của họ.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!