Có đi ngược mục tiêu?

- Thứ Tư, 23/09/2020, 05:31 - Chia sẻ
Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 1, đánh dấu thời điểm cải cách, đổi mới giáo dục của Việt Nam. Đây là năm học được đặt nhiều kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng nặng về truyền thụ kiến thức, chú trọng đến phát triển năng lực học sinh. Trải qua gần 3 tuần của năm học mới, chưa thể đánh giá chương trình, sách giáo khoa mới đã hoàn thành mục tiêu trên hay chưa, nhưng đã có nhiều nỗi lo xuất hiện ở phụ huynh có con học lớp 1.

Có một nghịch lý là bậc học càng thấp thì số lượng sách bài tập, sách bổ trợ đi kèm lại càng nhiều. Trong đó, số lượng các đầu sách nhiều nhất hiện nay vẫn là sách cho học sinh lớp 1. Năm nay, riêng môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh của các bộ sách đều có đến vài ba loại vở bài tập, vở thực hành kèm theo, rồi đến những môn như Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội… cũng có bài tập. Vấn đề không chỉ phụ huynh phải “cõng” thêm những khoản phí không đáng có, mà học sinh còn cảm thấy quá tải, quá sức với những đứa trẻ vốn ghép vần còn chưa xong.

Nhiều phụ huynh cũng than thở rằng, để thực hiện Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc không học trước chương trình lớp 1 là rất khó. Bởi thực tế, chương trình học lớp 1 theo sách giáo khoa mới vẫn khá nặng, đòi hỏi các em phải cố gắng nhiều và phụ huynh phải đồng hành với con sát sao. Chương trình được thiết kế với tốc độ rất nhanh, cứ 1 buổi học 2 - 3 âm, có buổi học đến 4 âm, sau đó học ghép vần và viết chính tả. Kết thúc tuần 1, các em đã phải đọc được cả đoạn văn bản dài trong khi có những bạn nhỏ còn chưa nhận diện hết mặt chữ cái.

Đây là thách thức lớn với các giáo viên và học sinh, đồng thời cũng là thử thách với phụ huynh trong vai trò đồng hành với con vào lớp 1. Phải chăng sách giáo khoa mới cũng chưa thoát được tình trạng nặng về truyền thụ kiến thức, đưa ra mục tiêu cho trẻ có phần vội vàng khi bước vào lớp 1 đã phải vào ngay chương trình đọc, viết rất căng thẳng? Thời đại nào cũng vậy, trẻ lớp 1 dù có thông minh, lanh lợi, thì chúng vẫn cần được giới thiệu dần từng chữ cái, phải học nét rồi mới tập tô, tập viết các chữ cái, sau đó mới tập ghép vần, ghép từ và sau cùng mới viết và đọc được các câu văn. Mục tiêu khi hoàn thành chương trình lớp 1, các em mới đọc, viết thành thạo dường như đang bị quên lãng.

Đáng nói, ngoại trừ môn Tiếng Việt là còn được bắt đầu từ những chữ cái, còn lại các môn học khác là ngay bài học đầu tiên đã có những hoạt động, những câu hỏi vận dụng… cho học sinh bằng các câu văn hoàn chỉnh. Ở tuổi của các con, dấu chấm và ký hiệu của thanh nặng còn nhầm lẫn, đánh vần xong còn chưa ghi nhớ được chữ đằng trước, nếu đặt ra yêu cầu phải đọc được cả văn bản dài ngay từ những tuần đầu vào lớp 1 có quá sức với trẻ? Lớp học quá tải với khoảng 50 - 60 cháu mỗi lớp khiến giáo viên quay vòng với áp lực quản lý lớp, áp lực những chỉ tiêu cần đạt khiến cả cô và trò phải truyền thụ và nạp vào đầu lượng kiến thức khổng lồ ngay từ khi mới bước chân vào ngưỡng cửa lớp 1.

Thực tế, một đứa trẻ viết chữ đẹp hay làm toán nhanh từ sớm không đánh giá được sự thành công và năng lực thực sự trong tương lai. Ở nhiều nước, trẻ không phải quay cuồng học chữ mà dành nhiều thời gian học kỹ năng và tập sống tự lập, khối lượng kiến thức phải tiếp nhận ban đầu nhẹ nhàng nên các em ít khi bị khủng hoảng. Còn chúng ta, liệu có đang đi ngược mục tiêu đã đặt ra, khi trẻ ngày 2 buổi đến trường, tối còn phải hoàn thành các loại bài tập cho đến giờ đi ngủ?

Một chuyên gia tâm lý ở TP Hồ Chí Minh cho biết, ông tham gia nhiều chương trình về chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1, nhưng thật ra người cần chuẩn bị tâm lý nhiều nhất chính là giáo viên và phụ huynh. Giáo viên là những người được đào tạo sư phạm, phải tâm niệm rằng, dạy cho trẻ lớp 1 là dạy cho trẻ chưa biết gì, cần tránh những nhận xét tiêu cực về trẻ, làm sao khơi gợi được niềm vui đi học, niềm tin vào bản thân cho trẻ thay cho những nỗi sợ hãi, mất tự tin. Còn phụ huynh cũng cần có “tinh thần thép” trước những nỗi lo con không theo kịp bạn bè, ép con phải học thêm sớm, học trước từ bé cho đến khi trưởng thành.

Duy Anh