Có dấu hiệu trục lợi?

- Thứ Ba, 27/07/2021, 11:03 - Chia sẻ
Trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh miền Nam đang diễn biến phức tạp thì ngày 24.7.2021, Bộ Y tế có Công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch.

Tại văn bản này, Bộ Y tế có kèm theo hướng dẫn và danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và 9 sản phẩm sát khuẩn không khí, sát khuẩn tay và xịt họng. Đặc biệt văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành “thực hiện nghiêm túc” chỉ dẫn về sử dụng một số sản phẩm y dược điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ngay sau đó hành loạt báo đã đưa tin với nội dung các sản phẩm được Bộ Y tế duyệt để chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, thực tế lại không đúng như vậy, nên ngày 26.7 Bộ Y tế đã thu hồi công văn nói trên.

Có thể nói, việc ban hành văn bản trên đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho người dân, xã hội, nhất là trong giai đoạn chống dịch bệnh Covid-19 vào cao điểm, có tính quyết định như hiện nay. Trước hết, người dân đã tin tưởng chỉ dẫn mà Bộ Y tế nên đã đổ xô đi mua các sản phẩm này dùng để chữa bệnh Covid-19 hoặc tích trữ số lượng lớn để sử dụng khi cần. Nhiều người đã mất một số tiền khá lớn để mua các sản phẩm này, hiệu quả chưa thấy đâu mà đã “tiền mất, tật mang”. Điều này gây bức xúc cho người dân khi họ cho rằng bị chính cơ quan có chuyên môn cao nhất về lĩnh vực y tế…lừa!

Bộ Y tế kịp thời thu hồi Công văn

Nguồn: ITN 

Đứng ở góc độ quản lý có thể thấy, Bộ Y tế - cơ quan quản lý nhà nước về y tế lại ban hành văn bản về sản phẩm, công dụng chữa bệnh, nhất là chữa Covid-19 lại có sai sót, không chính xác và phải thu hồi chỉ sau 2 ngày phát hành. Điều này làm cho người dân mất lòng tin, hoang mang vì họ không còn biết tin vào ai khi dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng, nghiêm trọng. Đặt ra trường hợp cá nhân, tổ chức đưa tin sai sự thật, chưa chính xác về công dụng về các bài thuốc chữa trị Covid-19 sẽ bị lên án và xử phạt rất nặng. Vậy, việc Bộ Y tế đưa thông tin chưa chính xác như vậy thì phải xử lý như thế nào để lấy lại lòng tin của người dân, xã hội?

Mặt khác, rõ ràng việc vội vã ban hành văn bản hướng dẫn và liệt kê các loại sản phẩm có thể chữa Covid-19 từ một số doanh nghiệp dược phẩm sản xuất không chỉ là sai sót về chuyên môn mà có thể có dấu hiệu lợi ích nhóm. Bởi sau khi Bộ Y tế có văn bản và báo chí đưa tin rầm rộ thì trong thời gian ngắn các doanh nghiệp bán được khá nhiều sản phẩm và thu được số lợi nhuận không nhỏ từ khuyến cáo về công dụng chữa Covid-19.

Thiết nghĩ, mặc dù Bộ Y tế đã sớm cho thu hồi văn bản về các sản phẩm chữa bệnh Covid-19 chưa chính xác, không đúng thực tế thì hậu quả tiêu cực lớn cũng đã xảy ra với người dân, xã hội. Do đó, cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh làm rõ động cơ, mục đích của cá nhân, tổ chức trong việc đề xuất, tham mưu và ban hành văn bản này, nhất là làm rõ dấu hiệu trục lợi, lợi ích nhóm và số tiền thu lợi là bao nhiêu.

Điều này nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc ban hành các văn bản, chỉ dẫn không đúng quy định, tùy tiện, đặc biệt xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh, tình huống cấp bách để trục lợi, gây mất lòng tin của người dân đối với quyết tâm chống dịch của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. 

Phạm Chung