Có còn công chúng uyên bác?

ĐĂNG BẨY dịch 01/03/2010 00:00

Hoàn toàn không ưa lối xưng tụng “ngôi sao”, nhà văn Mikhail Zhvanetsky chỉ ra rằng nghệ thuật bị vấy bẩn khi sa vào mối quan hệ tiền bạc - hàng hóa. Những chia sẻ của ông dưới đây thực sự bổ ích, thiết nghĩ, không chỉ với xã hội Nga hiện nay...

Có còn công chúng uyên bác? ảnh 1

Bán mua – đổi chác!

Hollywood đang đem bán các vụ án mạng để mà hốt bạc. Thái độ của tôi là bình thường đối với chuyện bắn nhau trên màn ảnh, nhưng trong đó phải có một ý nghĩa nào chứ, phải có một cảm xúc nào chứ. Làm sao mà một nhân vật có thể hạ sát liên miên, không dứt, vậy mà sau đó lại hoàn toàn không bị xây xước gì? Và sau mỗi vụ hạ sát như thế, bao giờ sát thủ cũng lôi theo những cô gái xinh đẹp vừa được giải cứu, bao giờ những cô này cũng thỏ thẻ, hệt như những đồ ngớ ngẩn, hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra? Chuyện gì đã xảy ra?” Chàng ta giải thích đôi câu rồi lại hối hả nổ súng…

Văn chương đại chúng bây giờ cũng kinh doanh những vụ án mạng, nhưng chỉ dừng ở mức miêu tả, rồi cũng có ý giải thích một điều gì đó cho chúng ta hiểu, và cũng hốt bạc đấy. Truyện châm biếm đổi lấy gạch xây nhà, bán đi những chuyện bông đùa để rồi xây được một cái gì đó là đồ thật. Có người đi hát lên những ca khúc để nhận về những bộ cánh diện ngất trời. Có người đi dàn dựng tiết mục để nhận về chiếc xe jeep. Đổi những câu thơ lấy vật liệu xây dựng, đổi tập văn xuôi lấy về một xấp tiền. Nghệ thuật bị vấy bẩn trong các mối quan hệ triền miên tiền bạc – hàng hóa.

Ai người biết cười!

Mikhail Zhvanetsky (Sinh năm 1934, tại Odessa, nhà văn Nga nổi tiếng, chỉ đạo nghệ thuật Nhà hát Châm biếm Moskva, chủ tịch Câu lạc bộ Quốc tế các Nhà hài hước Phong cách Odessa)

Có còn công chúng uyên bác? ảnh 2

Trên truyền hình một thời có chương trình giới thiệu những phát kiến hàng ngày, nơi người ta bay, người ta nhảy, người ta lái chiếc xe tự chế. Tôi yêu kỹ thuật, tôi yêu các sáng chế, yêu trí tuệ của các kỹ sư. Ước cho những chương trình như thế được phát trên truyền hình của ta bây giờ. Hiện nay, trên kênh Discovery đang có một chương trình vừa không tốn kém lại rất thú vị, cho người xem biết một công việc được thực hiện như thế nào, như xây một cây cầu chẳng hạn. Đơn giản, nhưng thật hay. Tại sao truyền hình Nga không cho khán giả biết một cuộc luyện tập của anh phi công? Một cuộc huấn luyện thường ngày thôi – thiết nghĩ, làm bộ phim đó chẳng tốn kém mấy nhưng lại hấp dẫn vô cùng. Để thực hiện một chương trình, càng nhiều thông minh thì càng ít tốn kém.

Uy tín – đó là thông điệp của những người đần độn tới những người đần độn. Làm cho một ngôi sao bất kỳ trở nên phổ biến, nhưng sự nổi tiếng ấy có ra làm sao? Vladimir Vysotsky từng đạt được uy tín cực cao và danh nổi như cồn. Uy tín ấy là hoàn toàn đặc biệt, chứ không phải thứ uy tín hiện hành. Uy tín của một người có tài giữa những người thông minh. Tôi có để ý và thấy anh ấy không lường hết tầm cỡ sự nổi tiếng của mình. Chính giới trí thức khoa học, những người được anh hát cho nghe đầu tiên, đã mách bảo cho chúng ta biết tài của anh. Chính họ - những người chế tạo ra bom nguyên tử, những người chế tạo vũ khí để đấu tranh với Mỹ - đã nghe anh hát, đã ghi âm lại, rồi gửi qua đường bưu điện để tặng cho tất cả chúng ta. Bởi vì giai cấp công nhân, dẫu có tôn sùng Vysotsky đến mấy, cũng không thể “chấm” ngay được anh. Làm việc đó, chỉ có thể là một Ban Giám khảo Thượng Hạng – đó là những con người trẻ trung, đẹp đẽ, tri thức và uyên bác. Những con người đó hiện nay đang sống đâu đó ở San Francisco, để lại tên trong các công trình khoa học của Mỹ, bởi vì họ đã ra đi. Và không có một Vysotsky thứ hai, bởi vì không còn họ nữa. Không thể xuất hiện một Vysotsky thứ hai nếu như không có một công chúng khán thính giả như thế. Thành thử, như người ta nói, “tôi có thể cù, nhưng ai người biết cười!”…

Những người ấy đã tạo nên cây bút châm biếm là tôi, đã tạo nên nhà thơ - nhạc sĩ Okudzhava. Bây giờ không còn họ nữa. Thay thế những công chúng trí thức và uyên bác là những quan chức hành chính ở đài phát thanh và vô tuyến truyền hình bây giờ - một lớp người xuất thân từ giống người “gì cũng xơi, gì cũng uống và gì cũng có”.

Ngôi sao - ấy là ai?

Tôi cực kỳ ghét kiểu xưng tụng “ngôi sao”! Sao lại “ngôi sao”, mà không thay vào đó là “tài năng”, “ca sĩ tuyệt vời” và sau đó là “người khai sinh cả một xu hướng mới trong nghệ thuật”?

Cách đây ít lâu, tôi phải vào viện. Đến thang máy, người đông ơi là đông, có ai đó nói về tôi: “Trông cứ ngỡ là Zhvanetsky”. Một bà nói chêm vào: “Ừ, giống nhỉ”. Bà khác bảo: “Đời nào người ta chịu vào cùng thang máy với mình. Nếu là Zhvanetsky, hẳn người ta phải điều trực thăng đến”. Dân ta cứ muốn sao cho mỗi ngôi sao của mình phải có một thang máy riêng, bởi vì bản thân khái niệm “ngôi sao” gợi lên một cái gì đó hơi khờ khạo và trong thời gian gần đây đã trở nên nhàm. Báo chí bây giờ cũng giống như khách sạn, hai sao, ba sao, năm sao… Tất cả các phương tiện truyền thông đều chúi mũi vào những “ngôi sao”. Họ chỉ đăng một bài nhỏ đề cập chuyện khủng hoảng, tất cả còn lại là chuyện sao. Họ ăn như thế nào? Họ không ăn như thế nào để giảm cân? Có đầy đủ cảm giác rằng dân chúng đổ dồn vào khe hở của lâu đài để nhòm xem bàn ghế của ngôi sao, bữa ăn của ngôi sao, tất cả đều hân hoan ngắm nhìn những ngôi nhà của kẻ khác, đều nghiên cứu cuộc sống của các ngôi sao. Họ nghiên cứu được những gì trong ấy? Việc này là để phỉnh phờ dân chúng mà thôi. Đi lừa phỉnh một dân chúng bình thường, lành mạnh, tử tế với sự giúp đỡ của các cô các mợ mang cái tên “ngôi sao”, thật là nhẫn tâm! Tôi tin rằng: những người đàn bà khỏa thân, dẫu rằng rất chi là xinh đẹp, kể cả các siêu sao, đâu có cứu được đất nước! Cứu cho đất nước khỏi bị đói khát phải là những người đàn bà nông dân mặc áo bông đi giày ủng, hoặc gồng gánh hoặc kéo xe ba gác, bận bịu luôn tay vì những đàn lợn đàn vịt đàn gà!n

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có còn công chúng uyên bác?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO