Có cơ chế thường xuyên tiếp thu, phản hồi ý kiến chuyên gia

- Thứ Hai, 27/09/2021, 05:18 - Chia sẻ
Hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về tình hình kinh tế - xã hội. Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế PHAN ĐỨC HIẾU cho rằng, tọa đàm này là hoạt động cụ thể triển khai chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về tăng cường sự tham gia của chuyên gia vào các hoạt động của Quốc hội, đồng thời cũng thể hiện Quốc hội không ngừng đổi mới để đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và đất nước. Ông cũng đề nghị cần có cơ chế thường xuyên, liên tục tiếp thu, phản hồi ý kiến của chuyên gia.

Dữ liệu thông tin sát thực tế và chuyên sâu hơn

- Hôm nay Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì Tọa đàm chuyên gia về kinh tế - xã hội đầu tiên của Quốc hội Khóa XV. Ông có suy nghĩ như thế nào về sự kiện này?

- Tọa đàm này được tổ chức đã thể hiện cụ thể chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về tăng cường huy động các chuyên gia tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc làm này cũng thể hiện Quốc hội không ngừng đổi mới để đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường, phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân và đất nước. Thông qua tiếp nhận các ý kiến đóng góp thẳng thắn của chuyên gia, Quốc hội sẽ có dữ liệu thông tin sát thực tế hơn, chuyên sâu hơn, từ đó có các quyết đáp kịp thời, hiệu quả nhằm đưa đất nước vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu
Ảnh: Thanh Hải

Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, xã hội mà trong các hoạt động lập pháp, giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã đẩy mạnh các hoạt động tham vấn chuyên gia.

- Từng tham dự các Diễn đàn kinh tế mùa Xuân, mùa Thu do Ủy ban Kinh tế tổ chức trước đây, đến nay ở "vai" cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về cơ chế huy động sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học trong các hoạt động của Quốc hội?

- Cơ chế tham vấn chuyên gia đã được Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội khai thác từ một vài nhiệm kỳ gần đây và đang ngày càng phát huy hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các đại biểu tham dự các buổi tọa đàm, hội thảo tham vấn ý kiến đều là những chuyên gia đầu ngành, do đó sẽ cung cấp cho các cơ quan của Quốc hội những thông tin, nhận định, đánh giá mang tính chuyên sâu để cùng với các kênh thông tin từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và người dân, các cơ quan của Quốc hội, Quốc hội có cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn, đa chiều hơn trong quá trình xem xét, đánh giá và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. 

 

Đại biểu phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, đại biểu về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 do Ủy ban Kinh tế phối hợp cùng Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức ngày 24.9

Đẩy mạnh giám sát việc thực thi của bộ máy

- Các chuyên gia đều có quan điểm, nhận định riêng của mình, thậm chí có thể đưa ra những nhận định thẳng thắn, không ngại va chạm. Điều này đặt ra yêu cầu như thế nào đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để có thể tiếp thu tối đa ý kiến chuyên gia, thưa ông?

- Trong thời gian qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã thể hiện rõ tính khách quan, độc lập và cầu thị trong tiếp thu góp ý của cử tri, người dân, đối tượng chịu tác động và các chuyên gia đối với các luật, nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng thực hiện tốt vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của cử tri và nhân dân cả nước.

Quá trình tham vấn, tiếp nhận, xử lý ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho các hoạt động của Quốc hội cũng được Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, không thụ động mà đều có sự đánh giá khách quan, thảo luận kỹ lưỡng trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Ủy ban Kinh tế chúng tôi khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đều thảo luận rất cởi mở, thẳng thắn để có thể tiếp thu tối đa. 

Bên cạnh tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học mang tính định kỳ, tôi cho rằng cũng cần nghiên cứu, rà soát để xây dựng “một kênh” tiếp thu ý kiến phản biện của chuyên gia một cách thường xuyên, liên tục. Một cơ chế như vậy cũng sẽ phản ánh công khai quá trình tiếp thu ý kiến tham vấn, có sự phản biện đi, phản biện lại với người góp ý, từ đó thu hút được sự tham gia đóng góp trí tuệ của đội ngũ chuyên gia đối với các hoạt động của Quốc hội. 

- Kết quả khảo sát nhanh về tình hình tài chính doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, 69% doanh nghiệp được hỏi đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh và phần lớn đều đang “thiếu máu” (dòng tiền). Trước thực trạng này, theo ông cần có những chính sách như thế nào để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế? 

- Có thể thấy, chúng ta không thiếu giải pháp, thậm chí, hiện nay, tôi cho là đã có đủ giải pháp để phục hồi và tăng tốc phát triển nền kinh tế trong điều kiện mới. Từ Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của luật hiện hành để ứng phó hiệu quả với diễn biến của dịch Covid-19; Nghị quyết số 107/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2021... và nhiều văn bản, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.

Tôi cho rằng, vấn đề hiện nay không còn ở xác định giải pháp như thế nào nữa mà là triển khai thực hiện như thế nào. Ví dụ cụ thể, nhìn vào Nghị quyết số 105 của Chính phủ sẽ thấy "ti tỉ" nhiệm vụ được giao cho mỗi bộ ngành, thậm chí thời hạn phải hoàn thành cũng được xác định, trong đó có nhiệm vụ phải hoàn thành từ tháng 9 này. Tuy nhiên, phản ánh của các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp (như Eurocharm) cho thấy, các nhiệm vụ được giao cho bộ ngành hầu như chưa được triển khai thực hiện. Nhiều chính sách, giải pháp không đến được với người dân, doanh nghiệp.

Đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 vừa qua đã tác động khá nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nhiều ngành, lĩnh vực ở nước ta. Thời gian tới, khó có thể khẳng định tác động của dịch bệnh sẽ dừng lại. Do vậy, các góp ý của chuyên gia, nhà khoa học về những giải pháp thiết thực để phục hồi và tăng tốc nền kinh tế là rất đáng quý. Nhưng, một yếu tố quan trọng không kém là việc các cơ quan chức năng bắt tay thực hiện nhanh chóng các đề xuất, giải pháp này hay không, điều này cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc đánh giá, kiểm điểm.

Cùng với việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, chắt lọc để đưa thành các quyết đáp của Quốc hội về kinh tế, xã hội trong thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần phải đẩy mạnh giám sát việc thực thi của các bộ, ngành, địa phương. 

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải thực hiện