Có cơ chế huy động nguồn lực đầu tư cho điện ảnh

- Thứ Sáu, 22/01/2021, 00:12 - Chia sẻ
Kiến nghị với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại diện Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) cho rằng, bên cạnh Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh của nhà nước, Luật Điện ảnh (sửa đổi) nên cho phép thành lập các quỹ tư nhân để huy động các nguồn lực đầu tư cho điện ảnh…

Được thành lập từ năm 1996, bắt đầu với hoạt động truyền thông, sau đó là sản xuất các chương trình truyền hình, đến năm 1999, BHD mới bước sang lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh. Đến nay, BHD là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hoạt động hiệu quả trong cả 3 lĩnh vực sản xuất, phát hành và phổ biến phim.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu tại buổi làm việc

Hiện tại BHD có hơn 300 nhân viên ở cả miền Nam và miền Bắc, cùng với lực lượng cộng tác viên đông đảo trong các lĩnh vực sản xuất và truyền thông. Cơ sở hạ tầng của BHD khá vững chắc, bao gồm sản xuất, phát hành và hệ thống rạp chiếu phim (10 cụm rạp, 60 phòng chiếu), phim trường, phòng dựng phim… để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản xuất và phát hành phim là một trong những mảng kinh doanh chủ yếu của BHD. Mỗi năm, công ty sản xuất 3 - 6 phim điện ảnh Việt Nam. Các nội dung BHD sản xuất, và của các đối tác nước ngoài, được phát trên nhiều nền tảng: Truyền hình truyền thống, rạp chiếu phim, và đang chuyển sang số với dịch vụ xem phim theo yêu cầu có bản quyền chính thức Danet, là đối tác của Facebook, Youtube, Tiktok tại Việt Nam.

Khảo sát tại cụm rạp của BHD ở Hà Nội

Từ thực tiễn hoạt động và nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước có nền điện ảnh phát triển, đại diện BHD kiến nghị cần có các chính sách điều tiết của Nhà nước để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện ảnh non trẻ của Việt Nam, thông qua các rào cản thương mại và ưu đãi về thuế… Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các phim về đề tài thiếu nhi, dân tộc thiểu số, văn hóa…; quy định tỷ lệ chia sẻ doanh thu cho chủ phim nước ngoài và trong nước bằng nhau, không để phim Việt chịu thiệt ngay trên sân nhà…

Để huy động các nguồn lực đầu tư vào điện ảnh, trong Luật Điện ảnh (sửa đổi), nên bổ sung quy định cho phép thành lập các quỹ đã được định nghĩa trong Luật Chứng khoán là: Quỹ đóng, Quỹ mở và Quỹ Thành viên (dự thảo Luật đang quy định chỉ có một hình thức duy nhất là Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh). Chính phủ cũng đã ủng hộ các quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và việc đầu tư phim ảnh cũng nên nằm trong xu hướng này. Để có tương quan phối hợp chặt chẽ hơn với Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh của Nhà nước thì các quỹ tư nhân có quyền đầu tư vào những phim có hỗ trợ của Quỹ nhà nước, và ngược lại, khi đó mỗi bên sẽ được hưởng tương ứng các ưu đãi hiện có.

Nhật Linh