Có chính sách hỗ trợ đồng bộ học sinh dân tộc thiểu số

- Thứ Năm, 13/01/2022, 22:15 - Chia sẻ
Chiều 13.11, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với UBND huyện Quản Bạ về việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể thao, du lịch thông tin - truyền thông, tín ngưỡng - tôn giáo, thanh niên và trẻ em. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì buổi làm việc.

Quản Bạ là huyện vùng cao, là cửa ngõ Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, nằm trong số 63 huyện nghèo của cả nước được thụ hưởng Chương trình 135 và Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện Quản Bạ có 12 xã và 1 thị trấn, đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học (gồm 13 xã, thị trấn đạt mức độ 3); đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tỷ lệ thanh thiếu niên 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 85,8%. Hệ thống trường, lớp học, trang thiết bị được đầu tư; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy tiếp tục được đẩy mạnh…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc làm với UBND huyện Quản Bạ

Về quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, tính đến năm học 2020 - 2021 toàn huyện có 41 đơn vị trường học, trong đó có 13 trường mầm non, 11 trường tiểu học, 2 trường TH&THCS; 12 trường THCS; 2 trường THPT và 1 trường TTGDNN - GDTX; có 40 điểm trường, 2 nhóm trẻ tư thục; 701 lớp, có 19 trường đạt chuẩn quốc gia. Tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục từng bước được quan tâm, đầu tư, cải thiện, đáp ứng cơ bản các nhiệm vụ dạy và học, nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu thực tế của từng đơn vị, đặc biệt là thiếu phòng làm việc, phòng học (kiên cố, cấp 4) tại các điểm trường Mầm non, Tiểu học, thiếu nhà lưu trú học sinh, nhà công vụ giáo viên, nhà ăn, nhà bếp cho học sinh bán trú, thiếu bàn ghế đúng quy cách, nhà vệ sinh hợp vệ sinh, các loại thiết bị, đồ dùng, đồ chơi…

100% đơn vị trường học trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường và thực hiện tốt Đề án giáo dục kỹ năng sống, gắn với đưa văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào truyền dạy trong trường học nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phòng tránh tai nạn thương tích phòng chống bạo lực học đường. 100% đơn vị trường học tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và áp dụng biện pháp trợ giúp giáo dục phù hợp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật theo Luật Trẻ em và các văn bản liên quan.

Đoàn giám sát tặng quà Trường Mầm non xã Quản Bạ

Công tác quản lý Nhà nước, triển khai các hoạt động về lĩnh vực văn hóa được chú trọng, tăng cường hoạt động văn hóa thông tin về cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển sâu rộng, cơ sở hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao từng bước đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động. Qua đó đã thu hút được nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi tham gia; Công tác bảo tồn các di sản, di tích lịch sử, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc có nhiều khởi sắc, đến nay trên địa bàn huyện có 2 danh lam thắng cảnh được xếp hạng và công nhận cấp Quốc gia (Núi đôi - xã Quản Bạ và thị trấn Tam Sơn, Hang Khố Mỷ - xã Tùng Vài); 3 Di tích cấp tỉnh gồm: Cổng thành Cán Tỷ, di chỉ khảo cổ học Sín Suối Hồ xã Cán Tỷ và danh lam thắng cảnh Thạch Sơn thần - thôn Lùng Thàng, xã Quyết Tiến. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, hình thành lớp người mới cơ bản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đoàn giám sát thăm Trường PTDT bán trú tiểu học Quản Bạ

Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện đến nay đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Hiện trên địa bàn có 107/107 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa kiêm trụ sở thôn đạt 100% các xã, thị trấn đều có quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao trong chương trình nông thôn mới…

Phó Chủ tịch UBND Huyện Quản Bạ Sèn Thăng Long đề nghị các cấp có thẩm quyền hằng năm tăng kinh phí cho hoạt động văn hóa, thể thao cấp xã, thị trấn. Có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân làm công tác truyền dạy văn hóa phi vật thể, nghề truyền thống của dân tộc.

Nhà nước tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi phục vụ cho công tác dạy và học nhằm đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Tăng cường đầu tư nguồn kinh phí chương trình mục tiêu hằng năm. Có chính sách hỗ trợ đồng bộ cho học sinh dân tộc thiểu số và miền núi như: Chế độ bán trú, cơ sở vật chất, SGK… Việc tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục cần có lộ trình, tính toán tỷ lệ phù hợp đối với từng vùng miền để bảo đảm đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Đoàn khảo sát thiết chế văn hóa tại huyện Mèo Vạc

Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của địa phương và tâm huyết của các thầy cô giáo ở Quản Bạ đối với sự nghiệp giáo dục, sẵn sàng chấp nhận vất vả để học sinh ra lớp đạt tỷ lệ cao. Những chia sẻ của địa phương cũng như của các thầy cô giáo là thông tin thực tiễn hữu ích đối với Đoàn giám sát.

Trước đó, Đoàn giám sát đã thăm và tặng quà Trường Mầm non xã Quản Bạ và Trường PTDT bán trú tiểu học Quản Bạ.

+ Cùng ngày, Tổ công tác số 1 Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phan Viết Lượng dẫn đầu đã tặng quà cho Đồn biên phòng Xín Cái, UBND xã Pả Vi, cùng một số cá nhân trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Đoàn cũng đã khảo sát một số thiết chế văn hóa và di tích tại các huyện Mèo Vạc và Đồng Văn.

Nhật Linh