Có chính sách cho vay ưu đãi với người cao tuổi, người khuyết tật

Bình Nhi thực hiện 08/08/2019 07:27

Bên lề Phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trợ giúp xã hội với người cao tuổi, người khuyết tật ngày 6 - 7.8, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) NGUYỄN ĐỨC HẢI cho rằng về lâu dài, nên cân nhắc việc phải có chính sách cho vay ưu đãi riêng đối với hai đối tượng này. Trước mắt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương quan tâm bố trí, bổ sung nguồn vốn và ủy thác qua NHCSXH để cho vay.

Dư nợ của người cao tuổi, người khuyết tật đạt 110 tỷ đồng

- Xin ông cho biết tình hình cho vay tín dụng chính sách với người cao tuổi và người khuyết tật tại NHCSXH?

- NHCSXH đang cho người khuyết tật vay vốn thông qua Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH. Ngoài ra, chúng tôi cho vay đối tượng là người khuyết tật theo Dự án “Mở rộng tiếp cận tài chính cho người khuyết tật - Tài trợ quy mô nhỏ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng, phục vụ hoặc do người khuyết tật làm chủ”, nguồn vốn do Quỹ Nippon của Nhật Bản tài trợ. Đến 30.6.2019, đã có 32.780 khách hàng là người khuyết tật, các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật được vay vốn, dư nợ hiện nay đạt 86.821 triệu đồng với 4.202 khách hàng đang còn dư nợ.

Đối với người cao tuổi, dư nợ đến hết tháng 6.2019 là 23.348 triệu đồng, với trên 1 triệu khách hàng còn dư nợ. NHCSXH cũng đang dự thảo văn bản hướng dẫn theo Luật Người cao tuổi và Thông tư số 96/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó cơ chế, quy trình, thủ tục cho vay thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

- Có ý kiến cho rằng, hiệu quả sử dụng vốn của các đối tượng này chưa cao, theo ông, nguyên nhân chính nằm ở đâu?

- Đúng là đang có thực trạng này. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu do nhiều lao động là người khuyết tật chưa qua đào tạo nghề, chuyên môn kỹ thuật thấp, sức khỏe có hạn, kiến thức hạn chế, hiểu biết về kỹ thuật sản xuất chưa cao... Cùng với đó, doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính thấp, không có tài sản thế chấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế nên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHCSXH.

Tôi cho rằng Nhà nước, Chính phủ nên hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động là người khuyết tật; đồng thời có chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp tiếp nhận người cao tuổi, người khuyết tật vào làm việc.

Cân nhắc cơ chế cho vay riêng

- Cơ chế cho vay đối với hai đối tượng này có gì cần điều chỉnh không, thưa ông?

- Từ khi triển khai các chương trình tín dụng có hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật, người cao tuổi thì cơ chế, chính sách cho vay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, dễ tiếp cận. NHCSXH sẽ tiếp tục xem xét, tiếp thu ý kiến phản hồi của khách hàng để điều chỉnh nếu thực sự cần thiết, nhằm tạo điều kiện tối đa trong quá trình tiếp cận vốn của các đối tượng thụ hưởng.

- Tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nhiều ĐBQH cho rằng cần phải có chính sách cho vay riêng cho người cao tuổi và người khuyết tật. Quan điểm của ông như thế nào?

- Công tác an sinh xã hội luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng chính sách nói chung, người cao tuổi, người khuyết tật nói riêng. Việc đề nghị có chính sách cho vay riêng đối với người cao tuổi, người khuyết tật là chính đáng, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Hiện nay, người khuyết tật, doanh nghiệp sử dụng người lao động là người khuyết tật vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh chủ yếu thông qua Quỹ quốc gia về việc làm mà chưa có nguồn vốn dành riêng. Trong khi đó, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm từ năm 2016 chưa được ngân sách bổ sung. NHCSXH cho vay chủ yếu bằng vốn thu hồi, tiền lãi cho vay để lại bổ sung nguồn vốn theo quy định và một phần vốn huy động... nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật.

Với người cao tuổi, theo quy định hiện hành, không khống chế độ tuổi của đối tượng thụ hưởng khi tiếp cận vốn tín dụng chính sách. Tuy nhiên, do hạn chế về sức khỏe... nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận so với đối tượng khác. Do vậy, để giúp người khuyết tật, người cao tuổi có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khẳng định nghị lực, ý chí vươn lên, ổn định cuộc sống cũng nên cân nhắc đến kiến nghị này để có cơ chế phù hợp. Trước mắt, trong thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận với tín dụng chính sách xã hội, đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính quyền địa phương các cấp quan tâm bố trí, bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua NHCSXH để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người cao tuổi và người khuyết tật.

Xin cảm ơn ông!

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có chính sách cho vay ưu đãi với người cao tuổi, người khuyết tật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO