Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, HĐND. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập, những nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan được Quốc hội ban hành.
Có đại biểu cho rằng, với quy định của luật hiện hành, một số kết luận, kiến nghị giám sát chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có cơ chế, quy định để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các kết luận, kiến nghị giám sát.
Do vậy, ý kiến này đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số giải pháp mới thực sự hiệu quả để tăng cường việc theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát.
Cũng có ý kiến đề nghị, cần quan tâm nghiên cứu quy định chế tài đối với các cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát chậm hoặc không giải quyết các kiến nghị sau giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải trả lời các kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.