Cơ chế sinh tồn
Càng gần với tình huống “sống còn” thì não người càng phát ra các tín hiệu cảnh báo rõ ràng hơn. Người có tâm lý vững vàng sẽ hành động có suy xét và có tính toán hơn.
Hoạt động trên không phải là kết quả của nỗi sợ cực đoan hoặc hoang mang vô lý. Nó là biểu hiện của một cơ chế sinh tồn đã ăn sâu vào ý thức con người. Cơ chế này phải mặc nhiên mà chấp nhận. Ở quy mô lớn thì ta cần bàn đến vai trò của cấp quản lý làm sao để thỏa mãn và hướng dẫn nó chứ đừng mong và đừng nên thay đổi.
Hãy thử quan sát điều này ở góc độ kiến trúc địa phương được phản ánh qua địa văn hóa và địa chính trị. Trong đó, ta thấy rằng người phương Nam thường ít bị chi phối hơn người phương Bắc. Từ Nam lên Bắc trên khắp thế giới thuộc bắc bán cầu, dễ nhận thấy sự biến đổi về kiểu hình nhà cửa cho đến kiểu hình đô thị. Người phương Nam chuộng cấu trúc tạm thời, ngắn hạn, dễ tùy biến, trong khi người phương Bắc ưa dùng cấu trúc dài hạn bằng đá, gỗ, chắc chắn, dày dạn. Sự biến đổi này vì đâu mà có? Nó chỉ phụ thuộc vào đúng một yếu tố là càng lên phía Bắc thì mùa đông càng dài và công sự phải chắc chắn. Mọi thực hành đó đều có ý nghĩa liên quan đến “dự trữ sống còn”.
Thế thì cái sự tích trữ khua khoắng thực phẩm ở các siêu thị nên hiểu là cơ chế cơ bản của con người trước rủi ro tiềm tàng. Về tâm lý, nó là nhu cầu kiểm soát tình huống - đã biến con người trở thành một động vật bậc cao trong tự nhiên và nó giúp chúng ta tồn tại được cho đến ngày hôm nay. Càng gần với tình huống “sống còn” thì não người càng phát ra các tín hiệu cảnh báo rõ ràng hơn. Có người thì tín hiệu đó mạnh, có người lại yếu, nhưng ai cũng có và hành động ra bên ngoài được chi phối bởi ý chí cùng sự hiểu biết. Người có tâm lý vững vàng sẽ hành động có suy xét và có tính toán hơn mà thôi.
Nhìn rộng ra, vai trò của bộ máy quản lý cũng phải hoạt động tương tự như vậy, các cấp, ngành cũng phải chủ động mà tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm trong tình huống nguy nan và lên phương án để hướng dẫn người dân.
Người dân cần được hướng dẫn nên mua cái gì, tích trữ cái gì, ở đâu, ra sao cho hiệu quả. Ví dụ ở nước ngoài người ta có bán các bộ dụng cụ khẩn cấp, lương thực nén dạng viên đi kèm hướng dẫn quần chúng về việc bổ sung dự trữ định kỳ, không nên vơ vét hết phần của người khác. Điều cần thiết trong giai đoạn khủng hoảng là sự chặt chẽ trong tổ chức xã hội. Trong những tình huống này, sự chấp hành của nhân dân theo hướng dẫn và phân phối của nhà chức trách là cần thiết.
Chiếc thuyền của thánh Nô-ê (Noah’ Ark) được ghi chép trong Kinh thánh là biểu hiện tiêu biểu của cơ chế tích trữ chỉ có ở động vật có trí tuệ với hệ thần kinh cao cấp. Trong sách, Nô-ê dự báo được về một trận Đại hồng thủy nên đã làm một con thuyền lớn để cứu các loài động vật và bảo tồn mã ADN của chúng qua từng cặp con đực, con cái. Sự tích trữ ADN cho “tương lai’’ này đã làm ông được coi như Thánh. Điều mà Nô-ê cung cấp, nhìn theo góc độ khoa học, không phải là ban phát sự sống có chọn lọc mà là kết quả từ sự “điều phối” ở cấp độ rất cao giữa quản lý, tổ chức và phân phối. Thời nay, ta hiểu đó là kỹ năng hàng đầu của nhà lãnh đạo.