Cơ chế liên thông… còn thủ công

- Thứ Hai, 19/04/2021, 06:48 - Chia sẻ

Quyết định 09/2015/QĐ-TTg Ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là một trong những văn bản thể hiện chủ trương chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Sau quyết định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng tại các bộ, cơ quan ngang bộ thay vì chỉ ở địa phương như trước đây.

Kết quả thực hiện cho thấy, đã có 59 địa phương tổ chức Trung tâm hành chính công; 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương tỷ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.

Vậy nhưng đi sâu vào chất lượng từng chỉ tiêu thì có thể thấy không hiếm địa phương vẫn chỉ dừng lại ở việc “dán thủ tục”, nói là Chính phủ không giấy nhưng kỳ thực số lượng giấy tờ giao dịch, trao đi đổi lại vẫn chiếm ưu thế. Điển hình nhất là tình trạng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, hồ sơ giấy. Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhất là tại các địa phương thì tỷ lệ hồ sơ giấy chiếm 93,7%; hồ sơ điện tử 6,3%. Việc tiếp nhận, giải quyết vẫn trên cơ sở hồ sơ giấy dẫn đến khó kiểm soát, đánh giá, dễ phát sinh tiêu cực; đồng thời, khó tạo dựng, duy trì, phát triển được các cơ sở dữ liệu do thông tin, kết quả thực hiện thủ tục hành chính vừa là đầu vào, đầu ra, vừa giúp chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu.

Trong khi đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa các cấp trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống một cửa điện tử để sử dụng lại các hồ sơ, giấy tờ điện tử, giảm các thủ tục kiểm tra, xác nhận,… chưa được thực hiện.

Hiện, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã khai trương, đi vào thực hiện, là nền tảng quan trọng hình thành danh tính số duy nhất của người dân, doanh nghiệp. Vậy nhưng việc triển khai sử dụng danh tính số trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông chưa có giải pháp cụ thể để bảo đảm thống nhất.

Có thể thấy, việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông mới chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Quy trình phối hợp này chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công thông qua gửi nhận hồ sơ giấy mà chưa tính đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống giúp giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động. Hơn nữa, chưa hình thành được cơ chế giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính đồng bộ theo thời gian thực từ hệ thống một cửa các cấp dẫn đến không kịp thời cung cấp thông tin cho chỉ đạo, điều hành, nhất là xử lý kịp thời hạn chế, bất cập, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Từ thực tế này, cần gắn kết việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; đồng thời đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hóa trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Nguyễn Minh