Cơ chế hiệu quả, nhưng cần hướng dẫn cụ thể, giám sát chặt chẽ
Việc cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn lực nội tại để đầu tư mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và trực tiếp hỗ trợ startup, được ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Hậu Giang) đánh giá là một cơ chế hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, để quy định này phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự hướng dẫn cụ thể, cơ chế giám sát chặt chẽ.
Thảo luận tại Tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk và Lào Cai", ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Hậu Giang) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật này.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế tài chính
Theo đại biểu, việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật theo quy trình một kỳ họp được đại biểu nhìn nhận là thể hiện quyết tâm cao, kịp thời luật hóa các nội dung quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chú trọng vào các vấn đề: tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế tài chính, tạo sự linh hoạt, bảo đảm nguồn lực đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, có cơ chế tài chính đặc thù cho tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm; khuyến khích và thúc đẩy hoạt động đầu tư mạo hiểm trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực, trong đó vừa bảo đảm tăng tính minh bạch, vừa tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn lực; tạo động lực và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
.jpg)
Bên cạnh việc thể hóa Nghị quyết số 57, đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có mục 4 về nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.
Sửa đổi ngay các quy định về thuế liên quan
Góp ý cụ thể về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu 3 vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật.
Thứ nhất, về chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược (Điều 35), đại biểu cho biết, dự thảo Luật quy định Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư, hợp tác và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược thông qua việc hỗ trợ một phần chi phí.
Đại biểu đề nghị thay “hỗ trợ một phần” thành “hỗ trợ chi phí” để linh hoạt trong thực tiễn và giao Chính phủ quy định, bảo đảm tính ổn định của Luật. "Quy định như vậy sẽ bảo đảm sau này có thể có trường hợp Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho việc đầu tư phòng thí nghiệm hoặc dự án phát triển công nghệ mang tính chiến lược. Như vậy, sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong đầu tư phòng thí nghiệm và phát triển công nghệ mang tính chiến lược".
Thứ hai, về Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (Điều 65): Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp được phép trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là 5% (Khoản 1 Điều 65). Doanh nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ để mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Khoản 2 Điều 65).

"Quy định này là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Việc cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn lực nội tại để đầu tư vào các hoạt động này và trực tiếp hỗ trợ startup là một cơ chế hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, để quy định này phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự hướng dẫn cụ thể, cơ chế giám sát chặt chẽ", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc mức tỷ lệ 5% hay cần nâng tỷ lệ này ở mức cao hơn để tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tích lũy nguồn để thực hiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dài hạn.
Trong Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, có nêu: Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
Ngoài quy định như dự thảo Luật (mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo), đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung mục đích sử dụng Quỹ, bao gồm các mục đích chi như sau: chi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặt hàng, mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào dự án khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành, tham gia góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thứ ba, về quản lý Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp
Dự thảo Luật không tiếp tục kế thừa quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành, cụ thể: Doanh nghiệp có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích thành lập quỹ. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ lý do tại sao không tiếp tục quy định nội dung này trong dự thảo Luật. "Cần thiết phải quy định nội dung này tại Điều 65 dự thảo Luật để trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp đối với Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ của mình", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để bảo đảm tính khả thi, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 57, bên cạnh việc tăng cường tính khả thi cho các quy định trong dự thảo Luật này, đại biểu cũng đề nghị phải bảo đảm sự đồng bộ và tính khả thi trong quy định của các luật khác cũng được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín này, như: Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…
"Có những quy định về thuế liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần sửa đổi ngay để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 68, ví dụ như giải pháp “Cho phép các doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế của hoạt động này. Có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, chi phí thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, tuần hoàn thông qua cơ chế khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tài trợ qua các quỹ”.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo sát sao Cơ quan chủ trì soạn thảo của các dự án luật này phối hợp bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình hoàn thiện các dự án luật.
"Chỉ có như vậy, mới tạo động lực tổng thể mạnh mẽ cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, nhằm đạt được mục tiêu phát triển đất nước năm 2030 và 2045 mà Đảng đã đề ra", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói.