Cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu tạo sự minh bạch, chặt chẽ
Phát biểu hoàn thiện Dự thảo luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, một số nội dung điều chỉnh trong dự thảo luật tạo sự minh bạch, chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo đại biểu, so với dự thảo Chính phủ trình, dự thảo mới nhất đã tách 2 điều (Điều 12 và Điều 13) thành 3 điều quy định riêng từng nội dung gồm: Giao nhiệm vụ sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh tại Điều 15; Đặt hàng sản xuất sản phẩm quốc phòng, an ninh tại Điều 16; Đấu thầu sản xuất, cung cấp sản phẩm quốc phòng, an ninh tại Điều 17.
ĐBQH Trần Thị Vân cho rằng, giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu là các hoạt động đặc thù, gắn với yêu cầu, nhiệm vụ chuyên biệt của lực lượng vũ trang, có vai trò quan trọng trong sản xuất quốc phòng, an ninh. Mặc dù, Luật Đấu thầu vừa mới được sửa đổi và Nghị định số 32/2019 của Chính phủ đã có quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nhưng chính vì tính chất đặc thù, chuyên biệt lại rất quan trọng của sản xuất công nghiệp quốc phòng, an ninh nên ngay trong Luật hay Nghị định 32 đều không áp dụng đối với lĩnh vực này bởi các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh được xem là sản phẩm đặc thù, không phải là sản phẩm, dịch vụ công thông thường.

Đại biểu đồng tình với quy định của dự thảo Luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu trong sản xuất quốc phòng, an ninh, giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất quốc phòng, an ninh và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất bảo đảm chặt chẽ và phù hợp với đặc thù của sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh.
“Về kỹ thuật trình bày văn bản, tôi đề nghị nghiên cứu quy định tại Khoản 3 Điều 14 Dự thảo Luật: việc quy định chung “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết khoản 1 Điều này” có thể dẫn đến cách hiểu cả hai bộ ban hành chỉ 1 văn bản cho cùng 1 nội dung. Do đó, cần cân nhắc, quy định rõ ràng, cụ thể bảo đảm việc áp dụng được thống nhất”, ĐBQH Trần Thị Vân nêu.
ĐBQH Trần Thị Vân cũng cho rằng, việc cấp đủ vốn sẽ bảo đảm cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đạt được mục tiêu như đã định. Chính vì vậy, để các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, nâng cao tiềm lực, góp phần xây dựng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại thì việc quy định Nhà nước bảo đảm cấp đủ vốn điều lệ, đầu tư bổ sung và tăng vốn điều lệ cho các cơ sở quốc phòng, an ninh nòng cốt từ NSNN tại Khoản 2 Điều 21 là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, đại biểu đề nghị, nghiên cứu, bổ sung có cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp hoặc lấy từ quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.