Cơ chế đặc thù - “đòn bẩy” cho phát triển

- Thứ Hai, 25/10/2021, 06:40 - Chia sẻ
Trong chương trình làm việc tuần này, Quốc hội sẽ dành nửa ngày để thảo luận về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với TP. Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. Đây là một trong những nội dung được cử tri và dư luận quan tâm. Bởi việc thí điểm này nhằm huy động nguồn lực, điều này được kỳ vọng là cú hích quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và phát triển kinh tế cả nước nói chung.
	Thành phố Huế Nguồn: ITN
Thành phố Huế
Nguồn: ITN

Không phải cho đến thời điểm này, vấn đề thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với một số địa phương mới được đặt ra. Mà trước đó, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đặc thù được áp dụng đối với 3 thành phố lớn. Đó là Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng... Đây là các văn bản pháp lý quan trọng quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực về quản lý tài chính, ngân sách, quy hoạch, đất đai... và mô hình tổ chức chính quyền địa phương đặc thù nhằm phát triển 3 thành phố lớn của cả nước.

Qua thực hiện thí điểm này, Chính phủ đánh giá, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan chuyên môn của địa phương thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn các thành phố bước đầu đã phát huy hiệu quả, phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý, điều hành; tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị, nhất là kịp thời giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp... Điều này cho thấy, cơ chế đặc thù đã tạo nên những thay đổi tích cực, cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn.

Từ những kết quả bước đầu thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù, lần này Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thanh Hóa. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; TP. Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp.

Hàng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách TP. Hải Phòng không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngoài ra, HĐND hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 héc ta; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 héc ta phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Cơ chế này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các địa phương trong trường hợp cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Không phải ngẫu nhiên, Chính phủ lựa chọn TP. Hải Phòng; tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế để thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù. Điều này trên cơ sở yêu cầu nghị quyết của Trung ương về phát triển đối với các địa phương này, cũng như căn cứ vào tình hình cụ thể, thế mạnh của mỗi địa phương. Và đặc biệt, việc thí điểm này đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Bởi trước đó, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù đối với một số thành phố trực thuộc Trung ương và bước đầu gặt hái được thành công.

Chúng ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế vùng thì phải có cơ chế đặc thù, “đủ dài, đủ mạnh” để địa phương phát triển, vượt lên, bứt phá. Tuy nhiên, cơ chế chính sách đặc thù phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước. Cùng với đó, phải tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát khi thực hiện cơ chế đặc thù. Có như vậy, việc thí điểm cơ chế đặc thù mới thực sự tạo “đòn bẩy” cho phát triển.

Hà An