Quốc hội và Cử tri

Cơ chế đã “mở", doanh nghiệp nhà nước cần đổi mới tư duy, quản trị

Lê Bình 29/06/2025 09:44

Trả lời chất vấn về vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Kỳ họp thứ Chín, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cơ chế, chính sách hiện đã rất rõ ràng và sòng phẳng, do đó các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025.

Chỉ tiêu DNNN tăng trưởng 8% có khả thi?

Làm thế nào để tăng đóng góp của khối DNNN vào tăng trưởng của nền kinh tế là một trong những vấn đề được ĐBQH nêu tại phiên chất vấn với lĩnh vực tài chính tại Kỳ họp thứ Chín.

Thực tế, các DNNN hiện đang nắm giữ gần 4 triệu tỷ đồng tài sản, sở hữu 20,5% nguồn vốn và 23,9% lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp, nộp ngân sách nhà nước gần 366 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đóng góp của các DNNN không đồng đều, tập trung vào một số doanh nghiệp lớn; một số doanh nghiệp sở hữu nguồn vốn lớn nhưng sử dụng chưa hiệu quả, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng.

Nêu thực tế này, ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải pháp thực hiện mục tiêu Chính phủ đặt ra với các DNNN là tăng trưởng ít nhất 8%, để góp phần thực hiện tăng trưởng tối thiểu 8% của kinh tế cả nước.

Z72_6191 - Tạ Văn Hạ - Quảng Nam
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Phạm Thắng

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng đề nghị làm rõ tính khả thi của việc giao chỉ tiêu tăng trưởng trên 8% cho DNNN trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp này đang thua lỗ. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2023 có 134 DNNN lỗ khoảng 115.270 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ Tài chính hiện là cơ quan đại diện chủ sở hữu của 18 tập đoàn, tổng công ty, còn lại rất nhiều công ty có vốn của Nhà nước đang ở địa phương và một số cơ quan khác. Do mới giữ vai trò này, nên ngay năm 2025, Bộ đã yêu cầu tất cả các tập đoàn, các công ty phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh để đưa mục tiêu tăng trưởng đạt thấp nhất là từ 8% trở lên.

Z72_5826 - Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Bên cạnh đưa ra “chỉ tiêu” tăng trưởng cho DNNN, Bộ trưởng cho biết, đã cải cách, sửa đổi mạnh mẽ các vấn đề về thể chế gắn với hoạt động của các DNNN, như sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, các luật thuế, với nhiều cơ chế, biện pháp để khơi thông nguồn lực và tăng cường hiệu quả của các DNNN. Vấn đề hiện nay, theo Bộ trưởng, đó là DNNN phải chủ động đổi mới cả về tư duy và quản trị, điều hành.

"Chính sách đã mở hết cỡ, Nhà nước chỉ quản lý phần vốn góp tại doanh nghiệp còn doanh nghiệp được quyền chủ động về kinh doanh, tự quyết cơ chế tiền lương, thưởng, tăng vốn...”. Nhấn mạnh những đổi mới về cơ chế cho DNNN, Bộ trưởng cho rằng, DNNN phải đổi mới tư duy và chủ động tận dụng tối đa các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn để triển khai các chiến lược, kế hoạch kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất về lợi nhuận, doanh thu, quy mô và mạng lưới. Đồng thời, cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các dự án, lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh và không dàn trải.

Về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng 8% của khối DNNN, Bộ trưởng cho hay, hầu hết DNNN mà Bộ Tài chính quản lý đều là những doanh nghiệp tương đối tốt, hoàn toàn có khả năng triển khai thành công kế hoạch kinh doanh để đạt tăng trưởng 8%. Có thể có tập đoàn, tổng công ty không đạt mục tiêu này, nhưng cũng có những tập đoàn tổng công ty vượt yêu cầu đặt ra và tổng thể bình quân là khối DNNN phải tăng trưởng trên 8%, từ đó đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước.

Để hỗ trợ các DNNN, Bộ trưởng cho biết sẽ "vừa theo dõi, giám sát, vừa tháo gỡ kịp thời các khó khăn" để doanh nghiệp phát triển. "Cơ chế đã rất rõ ràng, sòng phẳng, tôi tin rằng tất cả các tập đoàn, tổng công ty này sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Vướng mắc trong tái cơ cấu DNNN đã được tháo gỡ

Trong các giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh, sản xuất của DNNN, thì nhiều đại biểu quan tâm đến việc tái cơ cấu các doanh nghiệp này. Theo ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN, doanh nghiệp gặp vướng mắc do quy trình xin ý kiến các bộ, ngành liên quan mất quá nhiều thời gian, khiến nguồn lực lớn chưa phát huy được hiệu quả.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước đây không quy định rõ các trường hợp cơ cấu lại phát sinh thời gian qua, khiến việc cơ cấu lại DNNN bị chậm, vướng mắc. Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua sáng 14/6 đã quy định theo hướng hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Công ty TNHH do Nhà nước giữ 100% vốn và các trường hợp khác sẽ theo quy định của Chính phủ.

Luật cũng bổ sung quy định về chuyển giao tài sản giữa các doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn tại các công ty cổ phần, công ty TNHH sang cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu. Hay việc chuyển giao quyền mua cổ phần, cổ phần góp vốn giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn...

Với việc sửa đổi, bổ sung các quy định nêu trên, Bộ trưởng tin tưởng, chúng ta sẽ "giải quyết được dứt điểm" các vướng mắc trong tái cơ cấu DNNN; bảo đảm tiến độ trong giải quyết việc chuyển giao, sáp nhập giữa các doanh nghiệp… Bộ trưởng cũng nêu rõ, các quy định pháp luật được sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm sự linh hoạt, chủ động và quyền của Nhà nước trong các trường hợp cần thiết.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cơ chế đã “mở", doanh nghiệp nhà nước cần đổi mới tư duy, quản trị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO