Cơ chế bãi nhiệm ở Việt Nam- Vấn đề cần bàn

23/11/2006 00:00

Bãi nhiệm ĐBQH đang là vấn đề khá thời sự trong hoạt động nghị trường của nước ta thời gian gần đây. Vì thế, nghiên cứu và đánh giá những quy định mang tính lịch sử của đất nước cũng như phân tích những yếu tố hợp lý của pháp luật nước ngoài là một việc làm cần thiết nhằm sử dụng cơ chế bãi nhiệm như là một công cụ hữu ích cho hoạt động của Quốc hội.

      Bãi nhiệm ĐBQH là một trong những biện pháp để nhân dân thực hiện quyền giám sát, khắc phục tính hình thức của các cơ quan dân cử. Đây cũng là một công cụ giám sát của Quốc hội nhằm tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của mình. Không phải quốc gia nào cũng có cơ chế bãi nhiệm đại biểu dân cử, và nếu có thì cách thức thực hiện của mỗi nước cũng khác nhau. Trên một số hệ tư tưởng chính trị - pháp lý, các quốc gia xây dựng nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước riêng cho mình, chính điều này đã ảnh hưởng đến quy định về bãi nhiệm nghị sỹ của từng nước. 
      Về vấn đề bãi nhiệm ở Việt Nam, chúng ta không khẳng định cứng nhắc tiếp nhận một quan điểm cụ thể nào mà việc áp có sự linh hoạt, đan xen nhất định. Theo đó, ĐBQH được thừa nhận “không chỉ đại diện nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước” (Điều 97, Hiến pháp 1992). Với cơ chế này, ĐBQH là người đại diện cho lợi ích cho toàn dân tộc nhưng lại phải chịu sự ràng buộc chặt chẽ với nhân dân địa phương và có thể bị cử trị địa phương bãi nhiệm.
      Ngay từ Hiến pháp 1946, thủ tục bãi nhiệm ĐBQH đã được ghi nhận như sau: Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được sự đề nghị của 1/4 tổng số cử tri tỉnh hoặc thành phố đã bầu nghị viên đó. Và, nếu có 2/3 tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi nhiệm thì nghị viên đó phải từ chức. Kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp các năm 1959, 1980 và 1992 cũng ghi nhận quyền này của cho cả Quốc hội và cử tri.
      Trước năm 2002, việc bãi nhiệm đối với các ĐBQH mặc dù được ghi nhận trong Hiến pháp song chưa có một văn bản nào quy định một cách cụ thể về trình tự, thủ tục. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI, với việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội (năm 2002), vấn đề bãi nhiệm đã được quy định rõ ràng và cụ thể hơn. Theo đó, ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai làm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. 
       Song, một điều đáng bàn là, theo quy định của pháp luật, ĐBQH sẽ bị bãi nhiệm nếu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, nhưng để xác định được hành vi nào hoặc hoạt động sai phạm đến mức độ nào, trong cương vị nào (nếu là ĐBQH kiêm nhiệm) bị coi là không xứng đáng với sự tín nhiệm của người dân lại là một điều rất khó. Nhất là trong điều kiện hiện nay, khi có đến hơn 75% ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm thì việc dựa vào căn cứ trên để tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu là một vấn đề đang cần phải được tiếp tục nghiên cứu.
       Tham khảo kinh nghiệm của một số nước cho thấy, Hiến pháp Thụy Điển chỉ cho phép duy nhất Nghị viện quyền bãi nhiệm thành viên của mình, và phải có sự đồng ý của ít nhất 5/6 tổng số nghị sỹ có mặt. Còn Hiến pháp của Australia lại quy định một nghị sỹ đương nhiên bị mất tư cách đại biểu nếu mắc một trong những vi phạm mà Hiến pháp đã quy định như: phản bội tổ quốc, bị kết án tù, không có khả năng thanh toán nợ... Tinh thần của Hiến pháp hầu hết các nước đều thể hiện theo xu hướng ĐBQH là người đại diện cho quyền lợi của toàn quốc gia, hơn là đại diện cho quyền lợi ở địa phương. Vì vậy, Hiến pháp đều không có điều khoản nào ghi nhận cử tri có quyền bãi nhiệm ĐBQH. Điều này lý giải vì sao các đại biểu Quốc hội ở nhiều nước có sự tự do nhất định để hoạt động vì lợi ích toàn dân tộc. 
      Trong khi đó, ở Việt Nam sự mập mờ trong khái niệm bãi nhiệm đã khiến cho quy định trên trở nên khó thực thi hoặc nếu thực hiện được thì cách làm còn chủ quan, thiếu căn cứ. Các đại biểu tiến hành biểu quyết chủ yếu dựa trên lòng tin nội tâm của mình. Bởi, trong nhiều trường hợp, khi Quốc hội xem xét bãi nhiệm lại chưa tính đến việc đại biểu đó “mất tín nhiệm” ở cương vị nào, là đại biểu Quốc hội hay ở một cương vị khác. Đây là một nội dung quan trọng vì ĐBQH ở nước ta chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm. Từ những phân tích trên cho thấy, so với các ĐBQH nước ngoài thì các ĐBQH ở nước ta không có sự bảo đảm chắc chắn về mặt pháp lý cho cương vị của mình.

Trần Thị Ninh - Trần Thị Trinh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cơ chế bãi nhiệm ở Việt Nam- Vấn đề cần bàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO