Cơ cấu tổ chức văn phòng chung, sao cho hợp lý?

- Thứ Bảy, 29/08/2020, 23:42 - Chia sẻ
Lựa chọn phương án nào về cơ cấu tổ chức bên trong Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh cũng phải bảo đảm 2 yêu cầu, đó là: Thực hiện chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và bảo đảm hiệu quả hoạt động, không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử.

Có 2 phương án về cơ cấu tổ chức bên trong Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được đưa ra lấy ý kiến các địa phương tại Hội nghị trực tuyến do Văn phòng Quốc hội tổ chức vào ngày 28.8.2020. Cụ thể, đối với phương án 1: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND có 3 phòng: Phòng Công tác Quốc hội, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị. Ngoài ra, căn cứ theo tính chất, mức độ công việc thì có thể bố trí thêm 1 phòng, chức năng, nhiệm vụ, tên phòng do địa phương quyết định. Chức năng, nhiệm vụ và biên chế của từng Phòng do Thường trực HĐND sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH quyết định. Các phòng có trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng. Sau khi xin ý kiến của Thường trực HĐND và Trưởng Đoàn ĐBQH, Chánh Văn phòng bổ nhiệm, kỷ luật trưởng phòng, phó trưởng phòng theo quy định của pháp luật. Đây là mô hình kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 545/2007/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được áp dụng trong giai đoạn 2008-2016.

Theo phương án 2, căn cứ quy định của Chính phủ về tiêu chí số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND cấp tỉnh quyết định số lượng phòng, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, số lượng phó trưởng phòng của các phòng bảo đảm đúng quy định. Trưởng phòng, phó trưởng phòng do Chánh Văn phòng bổ nhiệm, kỷ luật theo quy định của pháp luật (sau khi xin ý kiến của Thường trực HĐND và Trưởng Đoàn ĐBQH).

Từ thực tiễn hoạt động và chủ trương về tinh gọn tổ chức, bộ máy cần xem xét tính hợp lý của 2 phương án để lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả nhất.

Mô hình các phòng theo phương án 1 có ưu điểm là công tác tham mưu được tách bạch theo chủ thể (Đoàn ĐBQH và HĐND), công tác phục vụ được quy về 1 đầu mối. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động theo Nghị quyết 545/2007 cũng cho thấy hạn chế lớn nhất khi tổ chức phòng chuyên môn theo chủ thể là phân tán nhân lực trong công tác tham mưu. Trong mỗi phòng (Công tác ĐBQH, Công tác HĐND) đều bố trí các chuyên viên theo dõi các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, nội chính, văn hóa… Khi có hoạt động liên quan đến chủ thể nào thì chuyên viên phụ trách nội dung theo phòng thực hiện công tác tham mưu trong khi chức năng, nhiệm vụ của 2 chủ thể lại có nhiều tương đồng như tổ chức giám sát, quyết định/tham gia quyết định, đại diện. Sự phân tán về nhân lực cũng dẫn đến hạn chế là thiếu điều kiện để nghiên cứu, tham mưu chuyên sâu và hỗ trợ giữa các chuyên viên trong cùng Văn phòng.

Phương án 2 được đánh giá là phương án tạo điều kiện từng địa phương chủ động quyết định mô hình phù hợp thực tiễn hoạt động. Theo phương án này, việc quyết định số lượng phòng cụ thể sẽ tùy thuộc vào số lượng biên chế được giao và quy định về tiêu chí số lượng biên chế tối thiểu để thành lập phòng. Tuy nhiên, nhìn lại thực trạng chấp hành quy định pháp luật về cơ cấu tổ chức các phòng của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND theo Nghị quyết 545/2007 (có 8 địa phương thành lập 3 phòng, 38 địa phương thành lập 4 phòng, 8 địa phương thành lập 5 phòng, 3 địa phương thành lập 6 phòng, 5 địa phương thành lập 7 phòng, 1 địa phương thành lập 8 phòng) và Văn phòng HĐND tỉnh theo Nghị định 48/2016/NĐ-CP, có 11 tỉnh vẫn tổ chức từ 3 - 4 phòng trong khi Nghị định 48 đã quy định rõ có 2 phòng. Thống kê về chỉ tiêu biên chế ở cả Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh hiện nay, tỉnh nhiều nhất 51 biên chế, tỉnh ít nhất 19 biên chế và chưa có quy định, tiêu chí cụ thể nào để xác định chỉ tiêu biên chế ngoài quy định về số ĐBQH chuyên trách.

Do đó, việc thực hiện phương án này ngoài thiếu thống nhất về cơ cấu tổ chức còn dễ dẫn đến tình trạng quyết định số phòng căn cứ vào tổng biên chế (do HĐND cấp tỉnh quyết định) hơn là yêu cầu, thực tiễn hoạt động, địa phương nào được giao biên chế nhiều thì số phòng sẽ nhiều hơn. Phương án 2 chỉ có thể hiệu quả, công bằng nếu có một quy định cụ thể, thống nhất về xác định biên chế cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, bảo đảm không tạo chênh lệnh lớn về chỉ tiêu biên chế giữa các tỉnh, thành phố.

Là một người đã từng công tác theo mô hình văn phòng chung, rồi văn phòng riêng, cá nhân tôi nhận thấy việc tổ chức các phòng theo nhóm chuyên môn, lĩnh vực thay vì theo chủ thể có nhiều ưu điểm hơn. Cùng với đó, kinh phí hoạt động của văn phòng chung nên tách khỏi kinh phí không tự chủ của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng là đơn vị dự toán độc lập như các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh; đồng thời Văn phòng có trách nhiệm tham mưu, giúp Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND thực hiện việc lập, chấp hành, quyết toán. Các quy định về chế độ, định mức chi phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND cũng cần được thống nhất để thực sự là tổ chức chung, tránh tình trạng chênh lệch về thu nhập giữa các bộ phận hay “một cơ quan hai chế độ” như vừa qua.

Dương Thị Thanh Hiền, Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng HĐND tỉnh Quảng Nam