Có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản

Anh Thảo 17/06/2024 15:21

Quan tâm đến cơ chế, chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án khi thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), có đại biểu đề nghị, khi thi công tuyến đường, nếu phát hiện khoáng sản nên phân biệt khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản có giá trị cao hơn để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại.

Có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Lâm Hiển

Lo ngại sẽ phát sinh 6 vướng mắc

Bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), nhiều đại biểu Quốc hội nêu rõ, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thành mạng lưới cao tốc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên gắn với Đông Nam Bộ.

Quan tâm đến quy định tại Điều 3, dự thảo Nghị quyết đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, nội dung này đã được quy định tại Điều 4 của Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Và từ thực tiễn triển khai Điều 4 của Nghị quyết 106/2023/QH15 cho thấy, còn có vướng mắc về trình tự, thủ tục liên quan đến cấp phép các mỏ cát, mỏ đất làm vật liệu san lấp phục vụ đường cao tốc, vướng mắc về thủ tục môi trường… 

Vì thế, nếu quy định về nội dung khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh lo ngại sẽ phát sinh 6 vướng mắc.

Có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản -0
ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Một là, vướng mắc liên quan đến quy hoạch. Tại khoản 1, Điều 4 Luật Khoáng sản quy định khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản. Nhưng trên thực tế, một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát nhưng lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản, ví dụ như mỏ đất san lấp, dẫn đến địa phương chưa có đủ cơ sở để cấp giấy xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản theo cơ chế đặc thù. Trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội hiện chưa đưa ra cơ chế tháo gỡ vướng mắc đối với nguyên tắc này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ. 

Vướng mắc thứ hai là về thủ tục hành chính. Trong dự thảo Nghị quyết đã quy định cơ chế đặc thù là không phải cấp giấy phép khai thác khoáng sản cũng như thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp giấy phép thăm dò khoáng sản do trước khi cấp giấy phép khai thác thì phải thực hiện cấp giấy phép thăm dò; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường. Như vậy, nếu dự thảo Nghị quyết không quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này thì cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này.

Vướng mắc thứ ba, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, liên quan đến điều chỉnh giấy phép khai thác khi nâng công suất. Dự thảo Nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án (không tăng trữ lượng đã cấp phép). Nếu phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác thì sẽ mất rất nhiều thời gian, dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho dự án. 

Vướng mắc thứ tư là xử lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng dư thừa. Trong dự thảo Nghị quyết quy định, khi thi công tuyến đường nhà thầu được phép thu hồi khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để trực tiếp phục vụ cho dự án. Nhấn mạnh đây là quy định cần thiết, song theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh là "chưa đầy đủ". Đơn cử, khi đào đắp san nền mà có đất, cát dư thừa và dự án không có nhu cầu sử dụng, thì dự thảo Nghị quyết lại chưa có quy định để xử lý trường hợp này. 

Vướng mắc thứ năm, được đại biểu chỉ ra, liên quan đến vấn đề chồng lấn tuyến đường lên quy hoạch khoáng sản. Thực tế, có ý kiến phản ánh vướng mắc khi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đi qua khu vực có quặng bauxite và 8 điểm trùng vào quy hoạch khoáng sản. Cho rằng, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) cũng có thể gặp vấn đề tương tự, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, nếu điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự, thủ tục của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết cần giải quyết vấn đề về chồng lấn tuyến đường lên quy hoạch khoáng sản, khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. 

Vướng mắc thứ sáu, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh liên quan đến phát hiện khoáng sản khi thi công. Thực tế cho thấy, nếu thực hiện theo quy định hiện hành sẽ mất rất nhiều thời gian để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản. 

Không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản

Từ những hạn chế, vướng mắc nêu trên, một số đại biểu kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách tại Điều 3, dự thảo Nghị quyết. Đó là, cần quy định rõ nguyên tắc việc khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án thu hồi khoáng sản khi thi công dự án không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tỉnh đối với các mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc không phải thực hiện các thủ tục hành chính, như giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, điều chỉnh, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản khi nâng công suất.

Và, đối với khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dư thừa trong quá trình thi công tuyến đường cần cho phép nhà thầu thi công cung cấp cho các công trình khác kèm theo các nghĩa vụ tài chính; giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy hoạch khu vực có liên quan để bảo đảm tiến độ thiết kế của dự án. 

“Khi thi công tuyến đường, nếu phát hiện khoáng sản cần phân biệt thành hai loại: Một là, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; hai là, khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề xuất.

Cùng mối quan tâm, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng kiến nghị việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với các diện tích nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực cần được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, đối với khu vực chưa có giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, nhà thầu thi công dự án được lựa chọn để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án không thông qua đấu giá, hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và không phải thực hiện các thủ tục về cấp phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khoáng sản và thủ tục thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Nhà thầu thi công phải lập bản đăng ký và kế hoạch khai thác nội dung bảo vệ môi trường và giao UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông có trách nhiệm xác nhận kế hoạch khai thác nội dung bảo vệ môi trường đối với các hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. 

Có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản -0
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đối với khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn thời hạn khai thác, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất, nên được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án và không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản điều chỉnh, thực hiện các thủ tục về thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản khi nâng công suất. Việc khai thác khoáng sản để phục vụ triển khai dự án là không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản…

Và trong ngắn hạn, nhiều ý kiến đề nghị, cần quy định cụ thể những giải pháp này ngay trong Nghị quyết để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tránh chậm trễ trong việc hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù. Còn dài hạn, cần sớm tổng kết thực hiện quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các Nghị quyết liên quan. Trên cơ sở đó, thể chế hóa một số cơ chế phù hợp trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản đang trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này. Có như vậy, mới giải quyết triệt để các vướng mắc trong thực tiễn, tránh phải xây dựng Nghị quyết đặc thù đối với từng dự án cụ thể trong thời gian tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO