Bình Dương

Cơ bản hoàn thành kế hoạch phát triển ở mức cao nhất

- Thứ Tư, 01/12/2021, 06:20 - Chia sẻ
Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, lây lan nhanh trên địa bàn, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực kiểm soát được dịch bệnh, cơ bản hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất có thể. Năm 2022, cần tập trung các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; tiếp tục tập trung chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công; có kế hoạch, lộ trình phát triển các dự án nhà ở xã hội...

Đó là những nội dung Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh qua thẩm tra tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Bình Dương tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong phát triển nhà ở cho công nhân lao động
Bình Dương tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong phát triển nhà ở cho công nhân lao động

Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội

Theo đánh giá của Ban, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, đặc biệt từ đầu tháng 7.2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, lây lan nhanh trên địa bàn, tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí phải “khóa chặt, đông cứng” ở 15 phường đậm đặc F0, kinh tế bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, sức khỏe Nhân dân bị đe dọa, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh ủy, điều hành linh hoạt của UBND và nỗ lực của các cấp các ngành, sự đồng hành, hỗ trợ của doanh nghiệp và người dân đã góp phần kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, đời sống xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt. Vì vậy, cơ bản hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất có thể, đã đạt và vượt 21/32 chỉ tiêu phát triển năm 2021; còn lại 10 chỉ tiêu chưa đạt và 1 chỉ tiêu chưa có số liệu.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Thị Minh Hạnh nhấn mạnh: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 2,79% (Kế hoạch tăng 8,5 - 8,7%), tuy thấp so với kế hoạch nhưng xét trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng này là khả quan, thể hiện nỗ lực rất lớn của cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp. Ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% (kế hoạch tăng 9,2%), mặc dù không đạt chỉ tiêu nhưng với bối cảnh tình hình dịch bệnh trên địa bàn, với chủ trương đúng đắn không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi tính mạng, sức khỏe của người dân, quyết liệt trong phòng chống dịch, đến nay đã kiểm soát được dịch bệnh, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục, đây chính là kết quả đáng ghi nhận. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao, vượt kế hoạch đề ra. Đây là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế của tỉnh năm 2021...

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh

Bên cạnh những kết quả đạt được, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kết quả và hạn chế của năm 2021, Ban đề nghị UBND tỉnh đánh giá kỹ hơn một số nội dung. Điển hình, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng, các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vượt qua dịch bệnh. Ban đánh giá cao ý nghĩa và kết quả mang lại từ các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình thực tế triển khai các chính sách có lúc, có nơi còn lúng túng, bất cập và chưa kịp thời, gây nên sự không hài lòng từ người dân.

Hay, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp bị tạm ngừng hoạt động, giải thể, giảm vốn tăng so cùng kỳ năm 2020. Theo phản ánh của cử tri, hiện tại doanh nghiệp gặp phải khó khăn chủ yếu về vốn, về lao động, thiếu nguyên liệu... Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất kinh doanh, Ban đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Có kế hoạch, lộ trình phát triển các dự án nhà ở xã hội

Đối với phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện. Đó là, các giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn tín mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết; đồng thời, chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công. Nhất là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, bức xúc của người dân, các công trình giao thông có tính chất kết nối, giải quyết các điểm “nghẽn” ùn tắc giao thông nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại và thông thương hàng hóa, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm tra kiểm soát giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19...

Ban Kinh tế - Ngân sách nhấn mạnh việc chỉ đạo rà soát, sửa chữa, nâng cấp lại các khu nhà ở cho công nhân, có kế hoạch lộ trình phát triển các dự án nhà ở xã hội nhằm giải quyết chỗ ở, bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường và sức khỏe cho người lao động. Bởi, đây không chỉ bảo đảm về an sinh xã hội mà còn là giải pháp góp phần phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế của tỉnh.

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xây dựng Chính quyền điện tử, phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện trên môi trường mạng từ đầu năm 2022; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

NGUYỄN NHẬT